Băng qua khu rừng tử thần

Năm 2022, số người di cư vượt rừng Darien Gap, vốn được biết đến là vùng rừng thiêng nước độc, lên tới 248.000 người. Thông tin từ Bộ Ngoại giao Panama cho biết, tính từ đầu năm 2023 tới nay, đã có thêm hớn 49.000 người di cư băng qua khu rừng này.

Lực lượng tuần tra biên giới Panama bắt giữ một nhóm người đang tìm cách băng qua rừng Darien Gap bằng piragua. Ảnh: Matthew Karsten.

Lực lượng tuần tra biên giới Panama bắt giữ một nhóm người đang tìm cách băng qua rừng Darien Gap bằng piragua. Ảnh: Matthew Karsten.

Mới đây, một chiếc xe bus chở 66 người di cư đã lao xuống vực khi có ý định tiếp cận rừng Darien Gap để cố gắng đến một điểm tạm trú. Cơ quan nhập cư Panama không cung cấp thông tin về quốc tịch của các nạn nhân. Tuy nhiên, chia sẻ trên Twitter, Tổng thống Panama Laurentino Cortizo nói đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, tái khẳng định cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo song song với các biện pháp phù hợp để ứng phó với tình trạng nhập cư trái phép.

Truyền thông quốc tế mô tả “khu rừng tử thần” Darien Gap nằm giữa Panama và Colombia, chủ yếu là đầm lầy, không đường đi, nơi thường xuyên bị các băng cướp tấn công và rắn độc trực chờ. Do không có đường nên “piragua” trở thành phương tiện đi lại chính. Với một số tiền nhỏ người di cư mua động cơ gắn vào xuồng, còn nếu không có tiền họ sẽ chèo bằng tay theo dòng nước mà vượt khỏi đầm lầy. Nhưng điều này là rất khó khăn do dòng chảy khá mạnh. Một khu vực hoang vu rộng lớn nhưng rất ít người bản địa, họ sống trong những “embera” - một kiểu nhà sàn tạm bợ, với mục đích chống lại động vật và lũ lụt. Lên hoặc xuống embera nhờ vào một chiếc thang gỗ.

Cư dân nhiều nước trên con đường di cư đã “ghé lại” Panama rồi tìm cách băng rừng Darien Gap bất chấp hiểm nguy. Các quan chức Panama đã mô tả những dòng người này là cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất mà châu Mỹ phải đối mặt trong thời hiện đại. Không ít người trong số những người băng qua rừng Darien Gap đã bị các băng nhóm tội phạm buôn lậu bắt đến biên giới Colombia trong một chuyến đi rừng kéo dài từ 7 đến 10 ngày, sau đó buộc phải gia nhập đội quân buôn ma túy. Trong số các nhóm thổ phỉ ở khu vực này, thì FARC là nhóm buôn ma túy, buôn lậu vũ khí, bắt cóc và đánh bom nổi tiếng hung hãn.

Darien Gap được coi là khu rừng nguy hiểm nhất thế giới khi đã lấy đi mạng sống của hàng nghìn người di cư. Nó dài tới 90 km nhưng không có bất cứ một lối mòn nào mà chủ yếu là đầm lầy. Phóng viên Emily Green và nhiếp ảnh gia tự do Roman Dibulet đã tìm đến các trại tạm cư ở Darien Gap. Họ cho rằng có tới 800 người di cư đến đây mỗi ngày và đây là khu vực “trung chuyển” người di cư còn nhiều hơn cả Địa Trung Hải. Khó có thể hình dung được có tới 60 quốc gia có người tham gia vào những đoàn người vượt biên qua rừng Darien Gap.

Trong những nhóm người di cư không chỉ có người lớn mà còn nhiều trẻ em. Điều kiện trong rừng rất khắc nghiệt, chưa nói đến nạn cướp bóc, chỉ cần mắc một căn bệnh hoặc chẳng may bị thương thì nạn nhân đã có thể tử vong.

Harun Said, một thanh niên 17 tuổi người Somali cho biết: “Dù muốn bạn cũng không thể giúp đỡ người khác được. Bởi trong khi bạn giúp đỡ người khác thì bạn sẽ bị bỏ lại sau đoàn người và sẽ bị lạc đường. Không phải là bạn nhẫn tâm mà bạn hoàn toàn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhắm mắt mà bước đi”.

Sĩ quan tuần tra biên giới (lực lượng Senafront) Panama Eliezer Castillo, người đã làm việc ở Darien Gap 21 năm, nói rằng ông đã từng phải gom xác người di cư cho vào túi nhựa. Nhưng, thứ ám ảnh ông nhất lại là câu hỏi có bao nhiêu người đã bị bỏ lại trong rừng mà không một ai dám báo cáo? Castillo cho biết, nhà chức trách Colombia và Panama đã rất cố gắng ngăn chặn người di cư vượt biên trái phép khi băng qua “khu rừng tử thần” Darien Gap. Nhưng đó là “cuộc rượt đuổi giữa cảnh sát và người di cư trái phép và đôi khi có thể dẫn đến những trận ẩu đả nghiêm trọng, người di cư có thể bị thương hoặc bỏ mạng”.

Những người di cư liều mạng băng qua khu rừng Darien Gap là ai? Họ đều là những người nghèo sống bấp bênh tại quê nhà. Không lường được hết hiểm nguy, họ đã rời bỏ làng quê dấn thân vào con đường hiểm nguy. Dừng bước ở Panama trước khi băng qua rừng Darien Gap là bởi họ muốn rút ngắn quãng đường tới quốc gia họ muốn đến vì đi đường biển sẽ mất nhiều thời gian hơn, mà không biết hiểm nguy đang rình đón.

Dòng người tị nạn đến Liên minh châu Âu (EU) có thể trở nên tồi tệ hơn trong năm 2023, nếu không có sự điều chỉnh trong chính sách và các cuộc xung đột chưa hạ nhiệt. Cảnh báo mới được cơ quan Biên giới và Cảnh sát biển châu Âu đưa ra trong bối cảnh tình trạng di cư bất hợp pháp vào châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015-2016 của lục địa này. Chưa hết, Cơ quan này còn dự báo, trong vòng 10 năm tới EU vẫn sẽ chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng di cư. Thông báo chính thức vào cuối tháng 3/2023 cho biết, trong 10 tháng của năm 2022, các nước EU đã đón nhận khoảng 280 nghìn người di cư. Con số này cao hơn 77% so với năm 2021 và là con số lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015 và 2016.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bang-qua-khu-rung-tu-than-5714010.html