Bảng quảng cáo khổng lồ đè chết người ở Sài Gòn, ai phải chịu trách nhiệm?

Trong cơn mưa kèm gió giật mạnh, bất ngờ một bảng quảng cáo khổng lồ trên quốc lộ 1A (quận Bình Tân, TP.HCM) đổ sập, đè lên nhà dân khiến 1 người tử vong.

Mới đây, tại quận Bình Tân, TP.HCM đã xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, trong cơn mưa kèm gió giật mạnh vào chiều 10/8, một bảng quảng cáo trên quốc lộ 1A (quận Bình Tân, TP.HCM) đã đổ sập, đè lên nhà dân khiến 1 người tử vong, 1 bị thương.

Luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.HCM)

Luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.HCM)

Theo luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.HCM), hiện nay, có rất nhiều hình thức quảng cáo. Trong số đó, chúng ta thường hay bắt gặp những biển quảng cáo khổng lồ, thiết kế bắt mắt và “treo” lơ lửng trên những tòa nhà cao tầng nhằm mục đích thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định rất rõ thế nào là sản phẩm quảng cáo, người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo…

Một câu hỏi được đặt ra, khi các biển quảng cáo này gây ra thiệt hại thì ai là người chịu trách nhiệm và mức bồi thường thiệt hại ra sao?

Luật sư Bình cho biết, Điều 15, luật Quảng cáo năm 2012 cũng quy định rất cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo, đó là: “Lựa chọn người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; Chịu trách nhiệm về căn cứ pháp lý của việc cho thuê địa điểm quảng cáo, phương tiện quảng cáo và an toàn của phương tiện quảng cáo; thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo đã ký kết; Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp lắp, dựng công trình quảng cáo không đúng với giấy phép xây dựng hoặc chưa được cấp giấy phép xây dựng”.

Bảng quảng cáo khổng lồ đổ sập khiến 2 người thương vong.

Trên thực tế, vì để thu hút khách hàng nên các biển quảng cáo thường được treo trên cao. Vậy chúng có được xem là nguồn nguy hiểm cao độ không? Luật sư Bình phân tích: Nguồn nguy hiểm cao độ là những vật do đặc tính của nó mà trong quá trình chiếm hữu, khai thác, quản lý, vận chuyển chúng luôn chứa đựng tiềm ẩn những nguy hiểm khách quan, dễ xảy ra thiệt hại ở mức độ lớn cho những người xung quanh. Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định:

“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”

Về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng nêu rõ: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Chiếu theo các quy định pháp luật nêu trên, luật sư Bình cho rằng: Trong trường hợp này chúng ta cần phải xem chủ sở hữu bảng quảng cáo cũng như người cho thuê địa điểm quảng cáo đã tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, xây dựng... hay chưa?

“Họ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự về việc này nếu để xảy ra thiệt hại do lỗi của mình gây ra”, luật sư Bình nói.

Tư Viễn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bang-quang-cao-khong-lo-de-chet-nguoi-ai-phai-chiu-trach-nhiem-a381675.html