Băng rừng, vượt núi gieo chữ cho học sinh vùng cao

Nhiều năm cắm bản gieo chữ cho các em học sinh, thầy cô giáo điểm trường Kon Plinh đã quá quen với những cơn mưa rừng, vắt cắn hay trượt ngã khi mưa về. Điều kiện khó khăn nên thực phẩm tươi sống là những thứ xa xỉ, thay vào đó bữa cơm chỉ toàn rau rừng và cá khô.

Mặc dù nhà xa nhưng thầy Nhất đã có 15 năm gieo chữ nơi bản nghèo.Ảnh: Đức Huy

Mặc dù nhà xa nhưng thầy Nhất đã có 15 năm gieo chữ nơi bản nghèo.Ảnh: Đức Huy

Ngắm con qua màn hình điện thoại

Chật vật gần 2 giờ đồng hồ băng qua con đường nhấp nhô sỏi đá từ trung tâm huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) chúng tôi mới vào tới điểm trường Kon Plinh (xã Hiếu, huyện Kon Plông). Mặc dù đã xế trưa, nhưng con đường vẫn bị sương mù bao phủ trắng xóa. Để không bị rơi xuống vực sâu, xe cộ đi lại luôn phải bật đèn để nhìn thấy người đi ở chiều ngược lại. Thấy có khách đến, thầy Hà Anh Nhất (trú huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) niềm nở chào, rồi mời chúng tôi vào căn phòng rộng chừng 20m2. Nói là căn phòng, nhưng bên trong vừa là chỗ ở của 3 thầy giáo, kiêm luôn phòng ăn. Thầy Nhất chia sẻ: "Lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy có khách ghé vào đây chơi. Đường đi và điều kiện trong này thiếu thốn, người muốn ra không được, chứ chẳng có ai muốn vào cả".

Cách đây 15 năm, thầy Nhất được phân công về trường Kon Plinh. Lúc thầy mới vào, đường đi lại chỉ toàn là đường đất, mùa nắng thì bụi mù mịt, mưa thì sình lầy, xe máy phải gắn xích mới có thể đi được. Không chỉ vậy, lúc bấy giờ ngôi trường chỉ có vài phòng học tạm bợ được dựng lên, chỗ ăn ở của thầy cô cũng chỉ che chắn bằng vài tấm ván cũ. Do nhà cách trường hơn 130km nên nhà trường bố trí cho thầy dạy ở trường chính để đường về nhà gần hơn. Tuy nhiên thầy một mực không đồng ý mà vẫn quyết tâm gắn bó với điểm trường Kon Plinh. Vì vậy, cứ chiều Chủ nhật thầy lại dùng chiếc xe máy cà tàng của mình để đến điểm trường. Chiều thứ Sáu hàng tuần, sau khi dạy xong thầy lại vội vã trở về nhà với vợ con.

"Thời gian đầu vào đây bản thân tôi cũng buồn, cũng nhớ nhà lắm. Nhưng nếu các thầy cô lung lay ý chí thì các em học sinh biết tiếp thu con chữ như thế nào. Có những hôm vợ ốm, con cũng ốm nhưng tôi cũng không về được, đành nhờ bố mẹ 2 bên chăm sóc. Khi đó, vợ con gọi điện khóc, tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Chỉ thấy thương vợ, thương con.", thầy Nhất nói rồi ném ánh mắt ra phía màn sương dày đặc.

Đối với các thầy khó khăn là vậy, các cô giáo còn khổ cực bội phần. Cô Nguyễn Thị Hoa (TP Kon Tum) đã cắm bản được 8 năm nay. Ngày đầu, khi vừa tốt nghiệp ra trường cô Hoa lên nhận lớp với sự ngỡ ngàng bởi đường đi lại vô cùng khó khăn, sình lầy, trơn trượt. Đường sá đi lại khó khăn nên nhiều hôm mưa, đường lầy lội, cô phải gửi xe nhà dân rồi đi bộ cả chục kilomet để vào trường. Trên người cô giờ đây là chi chít các vết sẹo sau nhiều vụ té xe. "Sợ nhất là mỗi khi mưa rừng, rắn, rết rồi vắt bò khắp nơi. Có hôm trên lớp tôi bị vắt cắn no căng máu. Tôi điếng người vì sợ, học trò thấy thế hùa nhau chạy lên bắt. Cứ thế chúng tôi quen dần, ngay cả lúc ăn, lúc ngủ vắt cắn cũng trở thành chuyện thường tình", cô Hoa cười hiền rồi nhấp ngụm nước ấm.

Cô kể tiếp, ngày mới sinh xong, cô phải để lại 2 con nhỏ cho bà ngoại và chồng chăm sóc rồi gạt nước mắt quay đi. Nhớ con, cô chỉ có thể gọi điện thoại về để nghe giọng con. Khi nghe thấy giọng mẹ, 2 đứa nhỏ khóc nức nở đòi mẹ về cho bằng được. Lúc đó, cô chỉ biết dỗ dành 2 đứa trẻ nín khóc rồi nuốt nước mắt vào trong. Nhiều lúc nhớ con quá, cô không dám gọi điện vì sợ 2 đứa trẻ lại khóc nên cô đành nhìn con qua ảnh chụp trên điện thoại. Tới cuối tuần cô lại tranh thủ chạy về thăm con.

Rau dại, cá khô vẫn không bỏ nghề

Say mê với nghề giáo, thầy Nguyễn Văn Trọng và vợ trước đây đều là sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn. Sau khi ra trường, cả hai cùng về huyện miền núi Kon Plông giảng dạy.

Chia sẻ với PV, thầy Trọng cho biết: "Lên dạy trên này, vợ chồng mình mới tổ chức đám cưới. Khi đó đám cưới đơn sơ lắm, chỉ có các thầy cô trong trường quây quần ăn bữa cơm ở khu tập thể. Thế rồi chúng tôi thành vợ chồng, đến nay hơn 10 năm đã có 2 con. Đứa lớn năm nay vào lớp 4, đứa nhỏ mới vừa tròn 1 tuổi. Do điều kiện không cho phép nên vợ chồng tôi đành gửi con về cho bố mẹ chăm sóc".

Nhà xa nên mỗi khi nhớ con, vợ chồng thầy cũng chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng để mai sau con có tương lai tốt hơn. Cứ 2 tháng, vợ chồng thầy Trọng lại tranh thủ chạy xe về thăm 2 con nhỏ. Mỗi lần như vậy cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc nức nở.

Tới giờ trưa, vơ mớ củi khô đã chẻ sẵn từ trước, thầy Trọng lấy miếng cao su cắt từ lốp xe ra nhóm lửa. Vừa bắc xong nồi cơm lên bếp, thầy Trọng lấy túi cá khô được gói kĩ trong giấy báo ra khoe: "Nhìn ngon vậy thôi chứ mặn đắng, không biết mọi người có ăn được không. Nếu đoàn mình vào từ đầu tuần thì thức ăn có phần đủ đầy hơn, nhưng cuối tuần thì đa phần chỉ là cá khô và rau dại. Những hôm rảnh, tôi và một số thầy cô khác rủ nhau đi bắt cá suối, mò ốc để cải thiện bữa ăn".

Cơm vừa chín đến, trên manh chiếu trải giữa nhà chỉ vỏn vẹn 3 món, gồm: canh, rau dớn xào, cá khô. Mặc dù bữa cơm đạm bạc nhưng thầy cô vẫn vui vẻ ăn ngon lành. Các cô giáo không quên rót mấy cốc nước lọc đưa cho chúng tôi, bông đùa: "Cá hơi mặn nên mọi người ráng ăn. Ăn một miếng rồi uống ngụm nước là được. Lúc mới đầu ăn chúng tôi cũng vậy, giờ quen rồi nên không còn thấy mặn nữa". Không chỉ khó khăn về đường đi lại, ăn uống mà các thầy cô nơi đây còn thiếu nước để sinh hoạt. Điểm trường nằm ngay trên mỏm đá nên việc đào giếng lấy nước là điều hết sức khó khăn. Thương thầy cô cắm bản dạy chữ cho con em mình không có nước sử dụng nên dân làng kéo nhau lắp đường ống dẫn nước từ trong núi về cho thầy cô dùng.

Cô Đỗ Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Hiếu cho biết, toàn trường có 27 giáo viên dạy ở 6 điểm trường. Đa số giáo viên của trường là người ở xa đến nên gặp nhiều khó khăn. Trong các điểm trường đó thì điểm trường Kon Plinh là khó khăn nhất. Điểm trường này có 5 thầy cô giáo phụ trách 5 lớp với 61 học sinh, trong đó 100% là người dân tộc thiểu số.

Do ở vùng sâu, điều kiện khó khăn nên các thầy cô ăn, ở và đi lại rất khổ cực. Bên cạnh đó, điểm trường không có giếng, các thầy cô phải dùng nước suối để ăn uống, sinh hoạt. Hiện Phòng GD&ĐT Kon Plinh đang xin kinh phí để khoan giếng nhằm cải thiện cuộc sống cho giáo viên nơi đây.

Đức Huy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/bang-rung-vuot-nui-gieo-chu-cho-hoc-sinh-vung-cao-20191120193456258.htm