Bảng xếp hạng các trường Đại học ở VN: 'Làm không thận trọng sẽ gây tác dụng ngược'

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Bảng xếp hạng các trường Đại học ở VN nếu làm không thận trọng sẽ mang lại tác dụng ngược.

Mới đây, bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam lần đầu tiên được công bố đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia cũng như của dư luận.

Trước đó, một nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập thực hiện đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cách đây ba năm với nhiều bước, từ xây dựng tiêu chí, thử nghiệm mẫu nhỏ, thu thập, xử lý dữ liệu.

TS Lưu Quang Hưng - thành viên của nhóm nghiên cứu - cùng các đồng nghiệp đã tập hợp số liệu từ hơn 100 trường đại học, sau đó tiến hành xếp loại 49 cơ sở giáo dục đại học có số liệu đầy đủ nhất.

Trong đó, 49 cơ sở giáo dục đại học gồm 5 đại học cấp quốc gia và cấp vùng, 5 học viện, 39 trường đại học công lập và tư thục.

Theo danh sách này, top 10 trường theo thứ tự là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Duy Tân, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trong khi đó, các trường kinh tế trước nay vốn được đánh giá cao như Đại học Ngoại Thương (hạng 23) và Học viện Ngân hàng (hạng 47) lại có thứ hạng khá khiêm tốn.

Liên quan tới những tranh cãi trái chiều về bảng xếp hàng trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ ghi nhận nỗ lực của nhóm đã chủ động nghiên cứu và công bố kết quả xếp hạng theo cách tiếp cận độc lập. Xếp hạng các trường ĐH theo đúng ý nghĩa của nó là cần thiết đối với hệ thống đại học, nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan tham khảo.

Người học cần kênh tham khảo để so sánh, chọn một trong các trường của cả hệ thống để theo học. Các nhà khoa học, người lao động cần thêm thông tin để chọn nơi làm việc phù hợp...

Bảng xếp hạng các trường Đại học ở Việt Nam do nhóm nghiên cứu độc lập tiến hành.

Bảng xếp hạng các trường Đại học ở Việt Nam do nhóm nghiên cứu độc lập tiến hành.

Các công cụ phân tích thuyết phục sẽ giúp trường có góc nhìn, đánh giá khách quan hơn về mặt hoạt động cơ bản, uy tín của họ. Điều đó góp phần để ra quyết định đúng về chiến lược cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Đối với cơ quan quản lý, thông tin về xếp hạng các trường giúp xác định tương quan năng lực của mỗi trường với cả hệ thống để quyết định đầu tư ngân sách, đặt hàng đào tạo những ngành mà Nhà nước có nhu cầu, tham khảo để xây dựng một số chính sách cho giáo dục đại học.

Tuy nhiên, “việc xếp hạng cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy, đánh giá bằng bộ tiêu chí khoa học, được thực hiện theo nguyên tắc, quy trình với nhiều người tham gia. Hệ thống tiêu chí đầy đủ, quy trình khoa học, kết quả mới có độ tin cậy cao. Kết quả nghiên cứu, đề xuất chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc thì chỉ mang tính học thuật” – bà Phụng nhấn mạnh.

Bà Phụng cũng lưu ý: “Việc xếp hạng các trường ĐH cần phải chuẩn bị kỹ, thận trọng, kết quả có sức thuyết phục. Chính vì thế, thế giới có nhiều tổ chức xếp hạng nhưng chỉ số ít có uy tín, đưa ra kết quả được nhiều người sử dụng để tham khảo.

Tất cả kết quả xếp hạng đều là thông tin tham khảo. Tuy nhiên, làm không thận trọng sẽ gây tác dụng ngược như ảnh hưởng uy tín của một số trường, "nhiễu thông tin xếp hạng", ảnh hưởng quyết định của các chủ thể căn cứ vào kết quả đó.

Thậm chí, chủ thể có thể lợi dụng xếp hạng để trục lợi, chẳng hạn công bố kết quả xếp hạng không đúng thực tế; thu học phí cao sau khi có kết quả; chú trọng đầu tư cho một số tiêu chí xếp hạng có trọng số cao mà không tính đến mục tiêu phát triển toàn diện và đáp ứng nhu cầu của người học, phục vụ cộng đồng”.

Cũng theo bà Phụng, sắp tới, Bộ GD&ĐT đưa vấn đề xếp hạng ĐH vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH để việc xếp hạng của Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế và phù hợp với chủ trương tự chủ đại học đang được ngày càng mở rộng ở Việt Nam.

Các thành viên tham gia thực hiện bảng xếp hạng các trường Đại học tại Việt Nam.

Trước đó, đại diện nhóm nghiên cứu đưa ra xếp hạng các trường Đại học ở Việt Nam đã giải thích: "Thứ hạng này không đồng nghĩa với chất lượng giảng dạy cũng như chất lượng sinh viên".

Nhóm tiến hành nghiên cứu này là do nhận thấy các trường đại học ở Việt Nam yếu về tính cạnh tranh, thiếu động lực trong việc minh bạch thông tin, hội nhập quốc tế.

TS Lưu Quang Hưng - thành viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ: Quá trình nghiên cứu và đánh giá để xếp hạng gặp nhiều khó khăn như mô hình đại học không thống nhất, thiếu số liệu, số liệu không đồng nhất do sai số nhiều khi tra cứu ở các kênh khác nhau, nhiều số liệu không đáng tin cậy. Điều này dẫn đến công việc của nhóm bị kéo dài, đặc biệt ở việc tìm kiếm, sàng lọc số liệu.

TS Hưng hy vọng bảng xếp hạng sẽ tạo động lực cho các trường đại học ở Việt Nam thực hiện cải cách. Hơn nữa, ông hy vọng sang năm, nhóm nghiên cứu có thể tiến hành đánh giá trên từng lĩnh vực một cách cụ thể hơn.

Dương Phương Ngọc

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bang-xep-hang-cac-truong-dai-hoc-o-vn-lam-khong-than-trong-se-gay-tac-dung-nguoc-d129098.html