Bangladesh: Trường học nổi chống lũ

Trên sông Atrai (một địa danh nằm ở góc Tây Bắc đất nước Bangladesh), hiện diện một chiếc thuyền nhỏ màu be được neo chặt với truông cỏ trên bờ nằm nép mình bên bờ sông. Bên trong con thuyền là những băng ghế hẹp và tiếng lũ trẻ con đang học bài nghêu ngao.

Có 29 học sinh lớp 3 đang học trên chiếc thuyền hẹp này. Lũ trẻ ngồi sát bên nhau, mắt nhìn chăm chú vào tấm bảng đen được dựng ở đuôi con thuyền. Khi cô giáo đề nghị một tình nguyện viên (học sinh học trên thuyền) đọc một bảng cửu chương, rất nhanh nhảu học sinh 8 tuổi Nila Khatun đứng phắt dậy khiến đầu cô bé muốn chạm trần thuyền.

Khatun đang là lớp trưởng, cô bé bắt đầu nhẩm đọc “6 x 1 = 6” bằng ngôn ngữ rặt Bengal. Đám học sinh kết thúc bảng cửu chương bằng việc đọc “6 x 9 = 54”.

Các em học sinh lớp 3 trên một ngôi trường nổi ở Bangladesh được điều hành bởi tổ chức phi lợi nhuận Shidhulai Swanirvar Sangstha. Ảnh: Mahmud Hossain Opu, NPR.

Trường nổi mang tri thức

Giáo dục ở Bangladesh rõ là có vấn đề, khi các nhà giáo dục không chỉ đối mặt với nhiều thách thức như những giáo viên đang dạy ở những quốc gia nghèo khổ khác, bao gồm tài chính eo hẹp, sách giáo khoa cũ kỹ, phòng học quá tải; mà họ còn rất lo ngại về tình hình thời tiết nhất là vào các tháng mưa bão. Lụt lội là chuyện như cơm bữa ở Bangladesh vì thế học sinh toàn ngồi nhà, phòng học vắng tanh vắng ngắt.

Thấu hiểu nỗi vất vả trầm kha đó, một tổ chức từ thiện địa phương đã quyết định tạo ra những lớp học cho học sinh dưới hình dạng “ngôi trường trên thuyền”. Ngôi trường nơi có học sinh Nali Khatun đang theo học là một trong số 23 ngôi trường nổi đang hoạt động ở Bangladesh, nó được điều hành bởi tổ chức phi lợi nhuận Shihulai Swanirvar Sangstha.

Mỗi buổi sáng, các con thuyền sẽ chạy dọc dòng sông Atrai để đón các học sinh tới lớp. Một khi các lớp học đã đủ sĩ số học sinh thì con thuyền sẽ neo lại đâu đó ngay mép bờ sông và lớp học bắt đầu ngày giảng dạy chính thức.

Các lớp học trên trường học nổi sẽ chuyên dạy về tiếng mẹ đẻ Bengal, tiếng Anh, toán học và khoa học, các em học sinh còn xem một đoạn video về các chuyến phiêu lưu của Meena và con vẹt Mithu của bà. Meena là tên của một chuỗi chương trình giáo dục được phát triển bởi tổ chức UNICEF và nó gần với chương trình Dora the Explorer (Nhà thám hiểm Dora) ở Nam Á. Trong tập mà nữ sinh Nila Khatun xem là cảnh Meena và con vẹt đang dàn xếp một âm mưu kết hôn với một cô gái trẻ để lấy khoản hồi môn là một chiếc xe gắn máy.

Bangladesh không chỉ là quốc gia đông dân thứ 8 trên thế giới với 160 triệu người, mà nước này còn là một trong những xứ sở dễ bị ngập lụt nhất trên thế giới. Bangladesh nằm trong vùng đồng bằng rộng lớn được hình thành bởi sông Hằng, sông Meghana và sông Brahmaputra khi chúng mang dòng nước chứa đầy trầm tích phù sa từ rặng Hy Mã Lạp Sơn đổ ra vịnh Bengal. Nhiều vùng trên đất nước Bangladesh nằm thấp hơn mực nước biển tới 4,8m. Trong những cơn mưa lớn, 70% diện tích đất nước Bangladesh có thể bị ngập.

Anh Mohammed Rezwan là giám đốc điều hành của tổ chức Shidhulai Swanirvar Sangstha, đơn vị đang điều hành các trường nổi và phòng khám y tế nổi ở Tây Bắc Bangladesh. Ảnh: Mahmud Hossain Opu, NPR.

Cô giáo Mafya Begum dạy ở ngôi trường nổi, nơi nữ sinh Nila Khatun đang theo học, nói rằng vào mùa mưa, các ngôi làng như bị cắt rời so với phần còn lại của thế giới. Hệ thống đường xá bị chìm dưới nước và chỉ có thể đi lại bằng thuyền. Anh Mohammed Rezwan, sáng lập viên của tổ chức phi lợi nhuận Shidhulai Swanirvar Sangstha, đã lớn lên ở Bangladesh.

Anh Rezwan kể: “Nếu quý vị đến những khu vực này vào mùa mưa thì sẽ “hưởng” trọn vẹn cảm giác bị cô lập. Cuộc sống thường nhật trở nên đặc biệt nhọc nhằn”. Năm 2002, sáng lập viên Rezwan bắt đầu gây dựng ngôi trường nổi đầu tiên của mình. Anh Rezwan nhấn mạnh: “Nếu học sinh không thể đi học vì thiếu phương tiện chuyên chở chúng, thì các trường nổi sẽ tìm cách tiếp cận các em. Ý tưởng của tôi là muốn mang lại nền giáo dục quanh năm cho bất kỳ học sinh nào”.

Dự án phi lợi nhuận của anh Mohammed Rezwan giờ đây đang hoạt động ổn định tại 23 ngôi trường nổi chỉ riêng ở Bangladesh.

Dự án giáo dục từ thiện

Ngoài ra Shidhulai Swanirvar Sangstha cũng đang hoạt động tại 5 phòng khám y tế nổi và chỉ vừa mới đưa vào hoạt động một thư viện có băng trượt để giúp độc giả tiếp cận phòng đọc nhanh hơn và ít nguy hiểm hơn. Tất cả các dịch vụ học hành, khám bệnh, đọc sách và vui chơi đều miễn phí.

Sáng lập viên Rezwan giải thích rằng Shidhulai đã kết hợp nguồn ngân sách từ các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các gói hiến tặng cá nhân để trang trải cho guồng máy hoạt động của dự án. Năm 2005, tổ chức Shidhulai đã đoạt được Giải thưởng tiếp cận học tập (ALA) với số tiền thưởng trị giá 1 triệu USD từ Quỹ Bill và Melinda Gates (Quỹ của hai vợ chồng tỷ phú Bill Gates cũng đang tài trợ cho sự hoạt động của báo NPR). Đến năm 2012, tổ chức Shidhulai còn được nhận thêm Giải thưởng hành động môi trường đầy cảm hứng (PIEA) của Liên Hiệp Quốc.

Bệnh nhân trên một phòng khám y tế nổi của tổ chức Shidhulai Swanirvar Sangstha. Ảnh: Mahmud Hossain Opu, NPR.

Trước đó vào năm 2006, Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã vinh danh tổ chức Shidhulai bằng Giải Xích đạo với lời đề từ rằng “Shihulai đã giúp chuyển đổi các tuyến đường thủy trong khu vực từ nền tảng trở ngại biến thành những lối đi cho giáo dục, thông tin và công nghệ”. Các tổ chức phi lợi nhuận như Shidhulai cũng đang giúp Bangladesh đạt được nhiều thay đổi xã hội ấn tượng trong vòng ¼ thế kỷ qua.

Kể từ năm 2000, Bangladesh đã cắt giảm tỷ lệ đói nghèo xuống còn một nửa, chuyển đổi đất nước này từ mức “thu thập thấp” sang mức “thu nhập trung bình” vào năm 2015, theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB). Kinh tế Bangladesh được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng bất chấp sự tăng tốc phát triển kinh tế thì xem ra nó vẫn không tác động gì tới các khu vực vùng nông thôn và hẻo lánh ở Bangladesh.

Sáng lập viên Rezwan cho rằng tầm quan trọng để đối phó với các trận lụt lội thường niên ở Bangladesh là đừng để cho các trường học ở vùng nông thôn bị đình trệ, càng khiến người dân rơi vào cảnh đói nghèo.

Anh Rezwan ví von rằng “Các lớp học nổi sẽ là sự kết hợp của xe buýt trường học và phòng học”. Sau buổi học sáng, người lái thuyền sẽ khởi động máy, lái con thuyền cập bờ để đưa học sinh quay trở lại làng của họ, và lại tiếp tục đón các học sinh lớn tuổi hơn lên thuyền để bắt đầu lớp học chiều. Anh Rezwan nói rằng tính linh động của những ngôi trường nổi dạng này đã mang lại một lợi ích khác cho các vùng nông thôn Bangladesh.

Rezwan giải thích: “Ở các vùng nông thôn. Phụ huynh thường chỉ quan tâm tới sự an toàn của con gái. Nếu con gái họ phải đi học xa nhà thì thường họ sẽ không cho con tới trường. Nhưng dự án của chúng tôi đã mang giáo dục tới tận cửa nhà họ vì thế các bậc phụ huynh sẽ không phải lăn tăn về sự an toàn nữa”. Đó là tin vui với gia đình nữ sinh lớp 3 Nila Khatun. Mẹ Khatun, chị Musa Khatun xúc động nói rằng nếu như không có ngôi trường nổi thì Nila Khatun sẽ bị thất học.

Tổ chức từ thiện Shidhulai đang điều hành 23 trường nổi ở bangladesh. Ảnh: Mahmud Hossain Opu, NPR.

Chị Musa Khatun kể: “Quanh nhà chúng tôi không có cái trường nào đâu. Trường học ở xa lắm. Vì thế, chúng tôi rất biết ơn vì có trường nổi”.

Nữ sinh Nila Khatun sống với cha mẹ và em gái sơ sinh trong ngôi nhà 2 phòng ở làng chài ven sông Atrai. Tường nhà làm bằng thảm dệt. Không có điện trong làng ngoại trừ một số hệ thống tấm quang điện mặt trời nhỏ mà dân cư trang bị trên mái nhà họ. Phụ huynh Musa Khatun kể rằng vào mùa mưa, cả làng chỉ đi lại bằng thuyền. Cả nhà Musa sống nhờ vào việc thu hoạch cây đay mọc ở các vùng đồng bằng cạnh đó. Họ khai thác đay, tước sợi để làm các loại túi bao bố.

Chị Musa Khatun cũng đã nhìn thấy một tương lai tươi sáng cho con gái mình. Chị khoe Nila là học sinh thông minh nhất lớp. Không có ai trong gia đình Khatun được học tới đại học, mặc dầu vậy chị Musa vẫn nuôi khát vọng cho con gái làm bác sĩ. Và tương lai đang chờ Nila Khatun nếu em chăm học.

Thanh Nguyễn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/do-day/bangladesh-truong-hoc-noi-chong-lu-511933/