Bangladesh tử hình 16 kẻ thiêu sống thiếu nữ

Bangladesh kết án tử hình 16 tên với tội giết người. Nạn nhân trong vụ việc bị thiêu sống nhưng chạy thoát. Cô tố cáo các nghi phạm nhưng đã qua đời trước phiên tòa.

Nusrat Jahan Rafi, 19 tuổi, qua đời vào tháng 4 ở Feni, thị trấn nhỏ cách thủ đô Dhaka 160 km.

Người hiệu trưởng mà Nusrat tố cáo quấy rối tình dục và hai nữ sinh cùng lớp nằm trong số những người bị kết án.

Vụ sát hại Nusrat gây sốc toàn Bangladesh, châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình đòi công lý cho cô.

Theo BBC, đây là một trong những phiên tòa nhanh nhất ở Bangladesh - những vụ xử tương tự thường mất vài năm. Công tố viên cho biết “không ai có thể thoát tội giết người ở Bangladesh”.

Vụ sát hại Nusrat gây sốc toàn Bangladesh, châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình đòi công lý cho cô. Ảnh: BBC.

Vụ sát hại Nusrat gây sốc toàn Bangladesh, châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình đòi công lý cho cô. Ảnh: BBC.

Cái chết thương tâm

Nusrat bị dụ lên sân thượng của trường mình vào ngày 6/4, 11 ngày sau khi tìm đến cảnh sát, tố cáo hiệu trưởng thường xuyên sờ soạng mình.

Sau đó, cô bị 4-5 người che kín mặt bao vây, ép buộc cô rút đơn tố cáo. Nữ sinh này không chịu, và đã bị những người đó châm lửa thiêu sống, với âm mưu tạo hiện trường giả là cô đã tự tử. Tuy nhiên, Nusrat đã chạy thoát.

Biết mình bị thương rất nặng, Nusrat đã để người thân của mình quay lại lời khai bằng điện thoại. “Thầy đã sờ soạng tôi, tôi sẽ đấu tranh với hành vi phạm tội này cho đến hơi thở cuối cùng”, cô nói, và chỉ đích danh tên của những kẻ đã tấn công mình.

Bị bỏng 80%, Nusrat qua đời chỉ 4 ngày sau đó, ngày 10/4.

Băng rôn có ghi "Công lý cho Nusrat, Công lý cho Bangladesh". Ảnh: BBC.

Hiệu trưởng Siraj Ud Doula là người đã ra lệnh giết hại Nusrat ngay cả khi đã bị tạm giam vì tình nghi quấy rối tình dục. Hai bị cáo khác, Ruhul Amin và Maksud Alam, là các lãnh đạo địa phương của đảng Awami League cầm quyền. Ba người này nằm trong số bị kết án.

Một số cảnh sát địa phương cũng cấu kết bằng cách phát tin đồn sai sự thật rằng Nusrat đã tự tử, nhưng những tên này không nằm trong số bị kết án.

Gia đình của Nusrat, vốn ủng hộ quyết định của con gái mình tố cáo lên cảnh sát, đã hoan ngênh phán quyết của tòa án, và kêu gọi nhanh chóng thi hành án. Kể từ tháng 3, gia đình đã được cảnh sát bảo vệ, theo BBC.

Bạo lực tình dục phổ biến ở Bangladesh

Theo phóng viên BBC, khi thẩm phán tuyên bố phán quyết, một số bị cáo bật khóc, trong khi một số khác la hét cho rằng họ đã bị tước mất công lý. Nhưng ở Bangladesh, chính những người phụ nữ như Nusrat mới là những người bị tước mất công lý, Akbar Hossain, phóng viên BBC bình luận.

Quấy rối tình dục khá phổ biến ở Bangladesh. Một báo cáo gần đây bởi nhóm NGO ActionAid cho thấy 80% phụ nữ làm việc trong ngành may mặc ở nước này đã chứng kiến hoặc bị bạo lực tình dục ở chỗ làm.

Nhưng lên tiếng như Nusrat thì vẫn hiếm, vì tố cáo có thể mang lại hậu quả. Nạn nhân thường bị cộng đồng đánh giá, quấy nhiễu, cả ở ngoài đời lẫn trên mạng.

Biểu tình phản đối nạn bạo lực tình dục phổ biến ở Bangladesh. Ảnh: BBC.

Trường hợp của Nusrat đặc biệt ở điểm cô đã tìm đến cảnh sát, quay lại lời khai bằng điện thoại, và đoạn video đó đã được tiết lộ cho báo chí.

Nhưng lại có những người xuống đường đòi thả hiệu trưởng, khiến gia đình Nusrat lo ngại an toàn bản thân.

Các nhà hoạt động cho rằng vụ việc cho thấy các nạn nhân của bạo lực tình dục ở Bangladesh vẫn yếu thế, và thủ phạm vẫn tự cho là không ai trừng phạt được mình. Cảnh sát ban đầu đã bác bỏ vụ quấy rối, sau đó mới buộc tội 16 người vào tháng 5.

Nhờ Nusrat lên tiếng, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã phải cam kết “các thủ phạm sẽ không ai có thể thoát khỏi trừng phạt”.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bangladesh-tu-hinh-16-ke-thieu-song-thieu-nu-post1005383.html