Bánh chưng mốc một góc thì có ăn được không?

Nhiều người quan niệm rằng bánh chưng bị mốc lá, mốc góc vẫn có thể ăn được, điều này liệu có đúng?

1. Ăn bánh chưng bao nhiêu là đủ, tránh bị tăng cân?

Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, bánh chưng là một món ăn có lịch sử lâu đời và gắn bó với ẩm thực truyền thống của dân tộc, thông thường bánh chưng sẽ được làm từ gạo nếp, thịt ba chỉ và đậu xanh.

Khi thành phẩm, một miếng bánh chưng cỡ vừa (khoảng 1/8 chiếc bánh) sẽ có trọng lượng khoảng 114g, cung cấp 204 kcal, 4,7 g chất đạm, 5,6 g chất béo, 33,9 g chất bột đường. Mức năng lượng thậm chí còn cao hơn so với một bát cơm trắng (khoảng 200kcal).

Với người gầy có thể ăn thoải mái trong ngày Tết. Tuy nhiên với người bị thừa cân béo phì, tiểu đường thì cần hạn chế ăn loại thực phẩm này. Ăn một miếng bánh chưng trọng lương cơ thể tăng gần 100g. Do vậy trước khi ăn cần cân nhắc kỹ.

Theo khuyến nghị, một người bị béo phì chỉ nên ăn 200-250g chất bột đường mỗi ngày, tương đương 2 miếng bánh chưng được chia thành 8 phần, đồng thời khi đã ăn bánh chưng thì cần giảm các thực phẩm chứa tinh bột khác.

Người thừa cân, béo phì không nên ăn quá nhiều bánh chưng.

Người thừa cân, béo phì không nên ăn quá nhiều bánh chưng.

2. Nhiều người cho rằng bánh chưng bị mốc góc vẫn có thể sử dụng được, điều này có đúng không?

Vào tháng Giêng, thời tiết thường nắng nóng kèm theo độ ẩm cao, thêm vào đó bánh chưng là món ăn có độ ẩm cao, có chứa thịt và chất béo nên là môi trường thích hợp giúp vi khuẩn và nấm mốc phát triển.

Nhiều người nghĩ rằng bánh chưng mốc chỗ nào thì cắt chỗ đó và vẫn có thể sử dụng được. Tuy nhiên theo TS. BS Trương Hồng Sơn cho biết, với loại thực phẩm có tính mao mạch dẫn như hoa quả, bánh chưng thì khi có một phần bị hỏng các mao mạch đã dẫn vi khuẩn sang phần lành khác, do vậy dù cắt phần hỏng nhưng thực ra phần lành cũng đã bị nhiễm nấm mốc.

Do vậy, với bánh chưng bị mốc lá hoặc mới bị mốc một góc thì không nên ăn vì độc tố aflatoxin do nấm mốc sinh ra vẫn có thể xâm nhập vào bên trong bánh gây ngộ độc.

Thêm vào đó, một số loại vi khuẩn, nấm mốc sau khi chết vẫn tiết ra độc tố gây ra ngộ độc cho người sử dụng. Nếu ăn bánh chưng bị thiu, chua, mốc có thể bị đau bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm gây hại cho sức khỏe. Vì vậy để đảm bảo an toàn thực phẩm khi bánh chưng có dấu hiệu bị mốc nên bỏ cả cái bánh đi.

3. Bảo quản bánh chưng như thế nào để tránh bị mốc, ôi thiu?

Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, để bảo quản bánh chưng tránh bị mốc và ôi thiu cần cất bánh ở nơi khô ráo, thoáng gió tránh cho bánh bị ẩm mốc.

Ngoài ra, hiện nay phương pháp hút chân không để bảo quản bánh chưng cũng rất phổ biến, phương pháp này không chỉ giúp cất trữ bánh hợp vệ sinh mà còn hạn chế côn trùng, bụi bẩn.

Tuy nhiên cách tốt nhất để bảo quản bánh chưng là bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh. Bánh chưng khi để ở nhiệt độ ngoài trời có thể bảo quản trong 3-4 ngày và thời gian sẽ giảm đi khi trời nồm, ẩm ướt; với bảo quản bằng hút chân không bánh chưng có thể bảo quản được 5-10 ngày trong điều kiện bình thường. Trong khi đó bảo quản ngăn mát tủ lạnh có thể để được từ 15-20 ngày.

Nếu không kịp tiêu thụ lượng bánh chưng, có thể bảo quản trong ngăn đá, tuy nhiên khi rã đông nên bỏ xuống rã đông từ từ trong ngăn mát và sau đó có thể luộc, hấp lại để bánh đỡ sượng.

Ngọc Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/banh-chung-moc-mot-goc-thi-co-an-duoc-khong-169230120230815632.htm