Bánh chưng với Tết cộng đồng ở nước ngoài

Cuộc đời ngoại giao của tôi đã trải qua nhiều nhiệm kỳ luân chuyển, khi ở Campuchia, khi ở New Zealand, rồi cuối cùng về Singapore. Hai mươi năm ở nước ngoài và cũng từng đó năm được ăn Tết với cộng đồng người Việt, Tết nào, ở đâu, Sứ quán cũng có bánh chưng trong mâm cỗ mừng Năm mới.

Còn nhớ mấy nhiệm kỳ ở Campuchia, vào đầu những năm 1980, để chuẩn bị Tết, Đại sứ quán thường đặt gạo nếp ngon và lá dong từ Hà Nội.

“Mùi Tết” ở Campuchia

Nhiều cán bộ ngoại giao thời bao cấp gói bánh chưng rất khéo. Trước ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp âm lịch, mấy thùng bánh bắc lên bếp lửa bập bùng giữa tiết trời oi nồng ngay trong khuôn viên Sứ quán. Anh em thay nhau canh bánh chưng, mồ hôi nhễ nhại, chuyện trò rôm rả thâu đêm chẳng khác cảnh Tết nơi quê nhà. Nếu có khác, thì ở Phnom Penh không có cái lạnh nhè nhẹ và lất phất mưa Xuân như Hà Nội.

Mỗi gia đình cán bộ của Đại sứ quán đều được chia đôi ba chiếc bánh chưng để cúng Giao thừa và ăn mồng một Tết. Tết năm đó, Đại sứ Ngô Điền còn gửi bánh chưng tặng một vài vị lãnh đạo sở tại. Bánh chưng xanh nổi bật bày trang trọng cùng mâm ngũ quả, đôi khi có cả cành mai vàng cắt giấy trong phòng ở của mỗi cán bộ vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi.

Đại sứ Trần Hải Hậu chúc mừng Năm mới, chúc Tết bà con sống xa quê hương. (Ảnh tác giả cung cấp)

Bàn tiệc Tết mừng Năm mới với bà con Việt kiều có bánh chưng cùng các món ăn truyền thống khác, cũng do anh em Sứ quán “tự biên tự diễn” nhìn khá thịnh soạn. Sau phát biểu chúc Tết của Đại sứ là các tiết mục biểu diễn văn nghệ cây nhà lá vườn của anh em cán bộ Sứ quán và các cháu trong cộng đồng. Phần đông bà con Việt kiều ở Campuchia có gốc từ các tỉnh phía Nam, vốn quen với bánh tét nên rất hào hứng thưởng thức bánh chưng hương vị Bắc.

Hồn Việt ở New Zealand

Từ năm 2003, tôi vinh hạnh được cử làm Đại sứ Việt Nam đầu tiên ở New Zealand. Trong bốn năm, Đại sứ quán đều tổ chức Tết rôm rả với bà con Việt kiều và sinh viên Việt Nam, cùng nhiều bạn bè New Zealand. Không có điều kiện chuyển gạo nếp, lá dong từ Hà Nội sang, Bí thư Phạm Hùng Tâm tìm được một gia đình người Việt đặt làm giò, chả, bánh chưng trước cả tháng trời. Tôi vẫn nhớ Tết năm nào, gia đình ông bà Nguyễn Đình Hai ở vùng Upper Hutt cũng tự nguyện góp vào bữa tiệc vài món ăn Việt được chuẩn bị rất công phu. Thật may mắn, trong cộng đồng người Việt ở Wellington còn có nhiều gia đình thuần thục mấy món đặc trưng hương vị Tết. Thế mới hiểu, dù đi bốn phương trời, người Việt vẫn luôn trân trọng và giữ gìn cốt cách, truyền thống cũng như phong tục của quê hương, đất nước.

Cùng với chuẩn bị đồ ăn, chi hội sinh viên Việt Nam các trường Đại học Victoria ở Wellington và Đại học IPU ở Palmerston North cũng tích cực tập luyện nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc cho tiệc mừng Năm mới. Đoàn cán bộ các Bộ, ngành, địa phương ta đang học tiếng Anh ở nước sở tại cũng góp vui tiết mục văn nghệ để bạn bè New Zealand hiểu thêm về phong tục, văn hóa Việt Nam.

Trong phần văn nghệ, mọi người thực sự ấn tượng với tiết mục múa hát quan họ của sinh viên trong trang phục áo tứ thân xanh đỏ tím vàng, điệu múa nón uyển chuyển, điêu luyện và tiết mục trình diễn áo dài thướt tha. Chương trình biểu diễn “cây nhà lá vườn” như đưa New Zealand xa xôi tận Nam Thái Bình Dương xích lại gần Việt Nam hơn.

Nhân dịp này, tôi tranh thủ giới thiệu với bạn bè New Zealand về sự tích bánh Giầy và bánh Chưng, hai thứ bánh tượng trưng cho Trời và Đất, ý nghĩa của gạo, đậu, thịt trong mỗi tấm bánh chưng, tục lệ biếu bánh dịp Tết bày tỏ đạo hiếu với cha mẹ. Bạn bè tấm tắc khen không ngờ ẩm thực Việt lại có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến vậy. Tôi chợt nghĩ, New Zealand cũng rất tự hào về bánh Pavlova nổi tiếng được ưa chuộng trong các dịp Giáng sinh. Càng thấy, mỗi dân tộc đều có vài món ăn quốc hồn quốc túy góp phần làm nên cốt cách và truyền thống của mình.

Mỗi cuộc chiêu đãi Tết ở Wellington là một sự kiện gắn kết cộng đồng, một sự kiện văn hóa đầy ý nghĩa. Đến giờ, tôi vẫn trân trọng những đóng góp của nhiều người trong cộng đồng như ông bà Hai, anh Hùng, anh Tấn, anh Thái, chị Bình ở Wellington, anh William Phạm ở Auckland và sự tham gia tích cực của bạn bè trong Hội Hữu nghị New Zealand - Việt Nam và Mạng lưới hỗ trợ Việt Nam, Lào, Campuchia như các ông bà Cath Kelly, Carol Legg, David Wiseman, Gerald Sutton…

Biểu diễn văn nghệ mừng Năm mới. (Ảnh tác giả cung cấp)

Món quà đặc biệt của Chủ tịch nước ở Singapore

Đến với nhiệm kỳ cuối ở Singapore, các buổi liên hoan Tết với cộng đồng càng sôi nổi và đông đảo hơn. Nhờ khoảng cách gần Việt Nam nên Đại sứ quán đặt bánh chưng, giò, chả của nhà hàng nổi tiếng nhất Hà Nội. Đặc biệt nhất phải kể đến sự quan tâm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân khi đó với cộng đồng người Việt. Ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên đến Singapore năm 2011, Tết năm nào, Chủ tịch nước cũng gửi vài thùng bánh tét tặng Đại sứ quán và bà con cộng đồng. Ngoài để một phần bánh cho tiệc Tết, Sứ quán gửi biếu một số gia đình người Việt tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác cộng đồng. Bà con rất cảm động trước cử chỉ và món quà ý nghĩa của Chủ tịch nước và Phu nhân.

Được dự tiệc Tết, mọi người đều tấm tắc khen bánh chưng, giò chả, dưa hành chính hiệu Hà Nội cùng bánh tét của Chủ tịch nước. Các chị có chồng Singapore hào hứng giới thiệu cho chồng về cách thưởng thức bánh chưng phải ăn với giò, chả và dưa hành. Các cháu thế hệ thứ hai ở Singapore, còn bập bẹ tiếng Việt, vốn quen với pizza, hamburger cũng rất thích thú món bánh chưng Việt. Được biết sau này, Sứ quán còn tổ chức thi gói bánh chưng trong cộng đồng.

Tôi khâm phục tài bếp núc của cán bộ ngoại giao. Ngày thường anh chị em chuyên nghiệp trong hoạt động đối ngoại. Tết đến, từ Tham tán Công sứ Minh Hằng, đến các Tham tán, Bí thư, cán bộ, anh chị Bảo, Minh Hồng, Phi, Dũng, Chi, Minh, Diệp, Khánh, Lương, Huân, Trung… phu quân, phu nhân, ai cũng xắn tay góp sức cho thành công bữa tiệc mừng Năm mới.

Rời nhiệm sở đã được vài năm, mỗi dịp ngoài trời lắc rắc hạt mưa Xuân, cây quất cành đào được bầy bán dọc con đường Láng, phố phường Hà Nội tấp nập và nhiều màu sắc hơn, kỷ niệm thú vị về nhiều cái Tết xa xứ lại ào ạt tái hiện trong ký ức, làm tôi nhớ da diết đồng nghiệp, bạn bè và cộng đồng người Việt nơi tôi từng công tác trong các nhiệm kỳ ngoại giao.

Trần Hải Hậu

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại

New Zealand và Singapore

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/banh-chung-vo-i-te-t-co-ng-do-ng-o-nuo-c-ngoa-i-86600.html