'Bánh nghĩa, bánh tình'

Trời râm ran vào Tết. Tháng Chạp len lỏi về theo từng đợt se lạnh, từng nụ mai vàng, từng cánh hoa kiểng sặc sỡ sắc màu. Người ta tính thời gian bằng cách đếm ngược từng ngày, và trao gửi tình cảm với nhau bằng một cách rất Tết, rất miền Nam: những đòn bánh tét.

Mẹ tôi năm nay sắp chạm ngưỡng “thất thập”. Nửa đời trẻ, mẹ đón Tết đầy đủ nghi lễ truyền thống từ người xưa truyền lại. Nhưng chuyện khiến mẹ nhớ mãi, vẫn là bánh tét. Nhà đông con cháu, họ hàng, năm nào bà ngoại cũng gói cả trăm đòn bánh, đủ loại nhân. Vượt qua giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu, phải xúm xít phụ tiếp người lớn gói bánh. Bánh được thả vào nồi, phải chia nhau ngồi canh lửa.

Trẻ nhỏ hay buồn ngủ, ngồi gà gật bên ánh lửa đêm khuya, mà tiết trời giáp Tết lúc nào cũng “dụ” người quấn mền đi ngủ sớm. Đuổi tụi nhỏ đi ngủ, người lớn lại tự mình thức sáng đêm canh nồi bánh, trò chuyện cùng nhau chẳng hề mãn chuyện.

Bánh chín đẹp rồi, đám trẻ xúm xít theo chân người lớn đi nhà bà con, hàng xóm tặng bánh. Nhà ai cũng nấu, nên nhận lại và tiếp tục cho đi, chừa lại đủ ăn trong nhà mấy ngày Tết. Người ta không hẳn là cho nhau đòn bánh tét, mà là cho đi cái nghĩa, cái tình.

Thời gian dần trôi, con cháu trưởng thành, bận rộn với mọi thứ ồn ã xung quanh mình - chỉ trừ thời gian dành cho gia đình. Người xưa dần khuất bóng, còn ai đi chợ, ngâm nếp, phơi lá, tỉ mẩn gói bánh nữa! Nồi bánh tét có nguy cơ trở thành ký ức. Thay vào đó, là hàng loạt nồi bánh tét “thương mại”, được nấu gói chuyên nghiệp, để ngày Tết không thiếu món bánh truyền thống này.

Rồi người ta vẫn đem biếu nhau, thể hiện sự quý trọng, nhớ nhau. Ăn vẫn ngon, thậm chí ngon hơn hẳn “bánh nhà làm”, nhưng thiếu thiếu cái gì đó. Nhẩm lại, ừ, thiếu cái nghĩa, cái tình chất chứa trong từng công đoạn làm bánh. Thiếu chút cân nhắc nêm nếm để vị bánh hoàn hảo, thiếu những giờ phút gật gù bên bếp lửa, thiếu nụ cười pha lẫn giọt mồ hôi, thiếu người này, vắng người kia...

Nhưng tôi thích nhìn mọi thứ theo hướng tích cực nhất có thể. Thiếu nồi bánh tét của gia đình, chứ “bánh tình, bánh nghĩa” vẫn tồn tại trong cuộc sống này. Đó là hàng loạt hội thi nấu gói bánh tét của nhiều địa phương, đơn vị tổ chức. Nhưng được biết đến nhiều nhất có lẽ là của Tết quân - dân.

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, năm nay, 4.450 đòn bánh tét (gần 200 triệu đồng) đã được nấu gói. Tết quân - dân năm 2020 rộn ràng ở khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng núi đến đồng bằng, từ người vừa xuất ngũ trở về đến người sắp nhập ngũ.

Thiếu tá Nguyễn Quang Hòa, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Tân (An Giang) cho biết, Hòa Lạc sắp trở thành đô thị mới (thị trấn Hòa Lạc), nên các hoạt động Tết quân - dân năm 2020 tại đây càng thêm ý nghĩa.

Các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức Hội thi gói, nấu bánh tét, với số lượng 400 đòn. Mấy cô chú lớn tuổi ở địa phương quen tay, quen việc, chỉ trong vài chục phút đã hoàn thành số lượng bánh tét quy định, mà đòn nào đòn nấy tròn lẳn, chắc nịch, đều rang.

Sau hội thi, những đòn bánh này được bàn giao lại cho ban tổ chức, để đến tận tay các gia đình chính sách, hộ nghèo, các đơn vị trên địa bàn xã. Những đòn bánh ấy tượng trưng cho chuỗi hoạt động văn hóa đậm tính nhân văn, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết quân-dân, tạo sinh khí vui tươi, nhộn nhịp trong ngày Tết cổ truyền. Người nhận bánh hạnh phúc một, mà người cho đi, hạnh phúc mười!

Mới hôm qua, tôi cùng một nhóm bạn trẻ yêu du lịch, thích khám phá và các hoạt động xã hội (Phượt An Giang, Câu lạc bộ Du lịch...) tham gia chương trình “Bánh tết kết đoàn” tại Tri Tôn. Trong 2 ngày, các bạn xúm nhau dọn vệ sinh, xóa vết bẩn trên đá ở hồ Tà Pạ; hì hục gói, nấu 400 đòn bánh tét suốt đêm.

Điều thú vị nhất là, mấy chục bạn cùng tình nguyện tham gia chương trình ý nghĩa này, tự gom góp kinh phí và vận động nhà hảo tâm hỗ trợ thêm, nhưng... rất ít bạn biết gói, nấu bánh tét. Cũng dễ hiểu, đa số đều là “con cưng” trong gia đình, nào có dịp chạm tay vào những công đoạn phức tạp thế này.

Có bạn xa gia đình đi làm việc, mãi cận Tết mới về vài hôm, rồi lại đi tiếp. Hoặc có những người sống trong giai đoạn chuyển giao giữa Tết cũ và Tết mới như tôi, khi nồi bánh tét đã dần mai một, thì làm gì có dịp trải nghiệm gói bánh tét!

Vậy mà, chúng tôi cứ mày mò vừa nhìn nhau, vừa tập xào nếp, tập gói, tập nấu. Đòn bánh đầu tiên, bó chằng bó chịt chẳng ra hình thù gì. Nếp ít, lá nhiều, rúm ró đến tội. Cả buổi chiều, mới gói được chừng vài chục đòn, còn xa số lượng yêu cầu.

Trong ánh sáng nhẹ của bóng đèn, trên miếng bạt ny-lon vừa đủ chỗ ngồi, với tiết trời se lạnh giữa rừng núi, các bạn trẻ ngồi cạnh nhau, trò chuyện rôm rả, “chuyên nghiệp” hơn trong từng động tác xếp lá, banh nếp, ngoai dây buộc. Đòn bánh có hình thù khá hơn chút, nhưng vẫn còn méo mó, dài ngắn không đều.

Phan Bảo Ân (Trưởng nhóm Phượt An Giang), chia sẻ trong tự hào: “Không biết mọi người nấu kiểu gì mà lủng luôn đáy nồi. Thấy vậy chứ bánh ngon lắm, dù hình thức chưa được đẹp! Mỗi thành viên tham gia gói, nấu được tặng 1 đòn ăn lấy thảo. Tụi nhỏ cắt bánh ra ăn, khen nức nở.

Sau đó, tất cả bánh được chất lên xe, gửi tặng cho bà con xã Núi Tô, cùng 290kg gạo. Thông qua hoạt động này, chúng tôi muốn góp một phần sức trẻ để kết nối với cộng đồng, để các bạn trẻ hiểu và yêu hơn phong tục Tết cổ truyền của đất nước”.

Tết này, sẽ có nhiều đòn bánh tét được chưng cúng trên bàn thờ, trở thành món ăn không thể thiếu của bàn tiệc. Sẽ có những đòn bánh đẹp và ngon xuất sắc, níu lưỡi người ăn; xen lẫn những đòn bánh “nhìn mắc cười” mà đám trẻ chúng tôi lóng ngóng thực hiện. Nhưng chẳng sao, nào ai khắt khe, chê cười “bánh nghĩa, bánh tình”.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-banh-nghia-banh-tinh--a262884.html