Bánh pía, đặc sản nổi tiếng của Sóc Trăng có nguồn gốc từ đâu?

Bạn có đủ am hiểu về những món bánh đặc sản nổi tiếng ở miền Tây? Những câu hỏi sau sẽ giúp bạn không bỏ lỡ một số món ngon hấp dẫn khi du lịch về đồng bằng sông Cửu Long.

1. Món bánh nào sau đây là một trong những đặc sản nức tiếng của Trà Vinh?

Bánh tét Trà Kiệu
Bánh tét Trà Cuôn
Bánh tét Trà Bồng
Bánh tét Trà Sóc

Trà Cuôn là địa danh ở xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, gắn với món bánh tét Trà Cuôn thơm ngon nổi tiếng. Ngoài các nguyên liệu quen thuộc trong món bánh tét của người miền Nam như nếp, thịt mỡ, đậu xanh... bánh tét Trà Cuôn thường có thêm trứng muối ở phần nhân. Đặc biệt, khi gói bánh, người ta trộn đều nước ép lá rau bồ ngót với nếp để tạo nên màu sắc ấn tượng của bánh tét Trà Cuôn. Ảnh: @daisydaisynguyen.

2. Món bánh bò đặc sản của An Giang có hương vị thơm ngon, màu vàng ươm bắt mắt nhờ vào nguyên liệu quan trọng nào?

Mật ong
Nghệ
Thốt nốt
Mỡ bò

Thốt nốt là loại cây đặc trưng của An Giang, gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân vùng đất này. Nhiều món ăn ở đây có sự góp mặt của thốt nốt, trong đó có món bánh bò thốt nốt nổi tiếng. Từ các nguyên liệu chính như bột gạo, bột thốt nốt, đường thốt nốt, nước cốt dừa... người chế biến cần sự khéo léo, tỉ mỉ nhất định để chế biến món bánh dân dã này. Bánh bò thốt nốt xôm xốp, ngoài vị ngọt ngọt, beo béo còn có hương thơm đặc trưng của đường thốt nốt. Ảnh: @mebimsuakoi.

3. Bạc Liêu có món bánh nổi danh nào kết hợp cả vị ngọt nước cốt dừa và vị mặn nước mắm?

Bánh tằm
Bánh sâu
Bánh gan
Bánh mật

Trong số những vùng đất nổi danh về bánh tằm ở miền Tây, không thể không nhắc đến Bạc Liêu, nhất là thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Người ta cho rằng vì bánh có hình dạng giống con tằm, nên gọi thành tên. Món ăn này có sự kết hợp hương vị độc đáo, thậm chí "đối nghịch" giữa vị ngọt nước cốt dừa và vị mặn nước mắm. Bánh tằm ăn chung với bì, thịt nạc heo trộn thính, rau thơm, dưa leo... riêng ở Bạc Liêu người ta còn thích cho thêm vài viên xíu mại rất hấp dẫn. Ảnh: @mondam_shin.

4. Địa danh nào ở Bến Tre được nhắc đến trong câu ca: "Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng..."?

Châu Đốc
Bình Định
Cái Mơn
Sơn Đốc

"Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc" là câu ca được dân gian lưu truyền để ca ngợi những đặc sản nổi danh của Bến Tre có từ trăm năm qua. Địa danh Mỹ Lồng, Sơn Đốc nay thuộc xã Mỹ Thạnh và Hưng Nhượng của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Điểm đặc biệt làm nên hương vị thơm ngon đặc biệt cho những chiếc bánh tráng, bánh phồng ở đây là nước cốt dừa đậm đặc. Du khách đến Bến Tre có thể ghé tham quan các làng nghề và thưởng thức những món bánh đặc sản này. Ảnh: Avner Ilani.

5. Bánh pía, đặc sản nổi tiếng của Sóc Trăng có nguồn gốc như thế nào?

Do người Khmer sáng tạo nên
Do người Hoa mang đến khi di cư vào miền Nam nước ta
Do người Việt từ miền Trung đem vào trong quá trình Nam tiến
Do quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa với người Xiêm

Bánh pía là đặc sản có tiếng của Sóc Trăng, nhất là thương hiệu bánh pía Vũng Thơm. Nhiều ý kiến cho rằng vào thế kỷ 17-18, chính người Hoa từ Trung Quốc di cư vào miền Nam nước ta đã đem theo món bánh này như một loại lương thực. Về sau, bánh dần được cải biến hợp khẩu vị người Việt, trở thành món ăn nhiều người yêu thích. Bánh pía gồm nhiều lớp bột da mỏng xốp, mềm mịn bao lấy phần nhân khá đa dạng, nổi bật hương vị sầu riêng, loại trái cây thơm ngon của miền Nam. Ảnh: @kimhaifoto.

6. Món bánh "tên tuổi" nào của vùng đất Kiên Giang có màu xanh rất đẹp mắt?

Bánh ống lá dừa
Bánh ống lá tre
Bánh ống lá dứa
Bánh ống lá ổi

Bánh ống lá dứa vốn là loại bánh đặc biệt của người Khmer, nay đã trở thành món ăn quen thuộc, nổi tiếng của người miền Tây. Ghé đến vùng đất sông nước Nam Bộ, nhất là khu vực Kiên Giang, du khách không nên bỏ lỡ món bánh này. Bánh ống lá dứa có màu xanh lá dứa đẹp mắt được làm từ gạo nếp, dừa... hấp chín trong những chiếc khuôn hình trụ dài độc đáo. Ảnh: @thaimaikhuong.

7. Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ là sự kiện thường niên được tổ chức tại địa phương nào?

Cần Thơ
Bạc Liêu
Vĩnh Long
Kiên Giang

Năm 2012, Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ lần đầu tiên tổ chức tại Cần Thơ, trở thành hoạt động văn hóa ẩm thực thường niên của thành phố. Năm 2015, sự kiện được nâng tầm thành Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, diễn ra vào dịp mùng 10/3 âm lịch hàng năm, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. Tại lễ hội, các nghệ nhân bánh dân gian của đồng bằng sông Cửu Long phục vụ du khách nhiều món ăn hấp dẫn, mang bản sắc địa phương. Ảnh: @thanhdifood.

Chợ nổi Ngã Năm thuần chất miền Tây sông nước Ngã Năm chính là vùng đất có chợ nổi đặc sắc nhất Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Toàn bộ nếp sống sinh hoạt người dân miền Tây luôn gắn liền với khu chợ nổi này.

Song Phúc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/banh-pia-dac-san-noi-tieng-cua-soc-trang-co-nguon-goc-tu-dau-post880847.html