Bánh tét là bánh Tết

Nếu miền Bắc có bánh chưng thì miền Nam có bánh tét.

Bánh tét được gói bằng lá chuối, hình trụ, cũng làm từ các nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh nhưng thịt có thể có hoặc không. Loại không có thịt bảo quản lâu hơn bánh chưng.

Miền Trung có cả bánh chưng lẫn bánh tét. Bánh chưng miền Trung thường bé và ít nhân hơn bánh chưng ngoài Bắc. Bánh tét miền Trung giống như bánh tét miền Nam.

Bánh tét miền Trung ngon nhất là ở Huế. Bởi bánh tét làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) ở Huế đã nổi tiếng cả nước. Nó có sự đặc biệt về nguyên vật liệu. Tại làng này từ xưa đã khoanh vùng khoảng 20 mẫu ruộng để cấy nếp ngon. Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước (để bảo đảm giữ bánh được chừng nửa tháng).

Nhà văn Nguyễn Tuân lý giải về nguồn gốc bánh tét: “Bánh này là “con” của “ông bà” bánh chưng, bánh giầy từ thời vua Hùng. Khi mở cõi phía Nam, Tết đến, quân ta nhớ miền Bắc luộc bánh chưng, nhưng làm vuông thì khó mang theo người và mở ra phải ăn hết, họ sáng kiến làm bánh tròn để mỗi anh đeo tòng teng 2 đòn bánh và ăn đến đâu cắt đến đó.

Khi Quang Trung tiến quân ra Thăng Long, bánh tét này là lương thực chủ yếu. Còn cái tên tét thì xuất phát từ việc gói bánh này để ăn Tết, để đón Tết nên gọi là bánh Tết. Ông thực dân Tây đọc không dấu thì gọi là bánh Tet, viết phiên âm là: Tét”.

Nguyễn Văn Toàn (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/banh-tet-la-banh-tet-post624926.html