Bánh Thuẫn ngày Tết

Ký ức về những cái Tết xưa của tôi luôn gắn liền cùng bánh thuẫn.

Thường cỡ rằm tháng Chạp mẹ sẽ bày khuôn đổ bánh thuẫn. Cái khuôn nặng trịch bằng đồng lâu nay cất kỹ được mẹ lôi ra cẩn thận cọ rửa. Chị Hai lãnh phần bày lò than, nhóm, quạt cho than cháy hừng. Đánh bột đổ bánh là phần mẹ. Đập trứng cho hết vô thau cùng đường cát. Sau đó mẹ một tay giữ vành thau, tay kia dùng cây đánh trứng đánh đều đặn cho tan hết đường. Tiếp tới rây bột. Vụ này chị Hai phải phụ. Bột rây thẳng vào thau trứng/đường. Tám phần bột khoai hạ hai phần bột năng. Rây tới đâu đánh kịp thời cho tan hết tới đó. Bột rây càng nhiều thì hỗn hợp bột bánh càng đặc, đánh mỏi rời tay.

Âm thanh “chách chách” nhẹ nhõm mới đầu giờ đã biến thành bành bạch. Mặt mẹ đỏ bừng, trán lấm tấm mồ hôi. Vậy nhưng chị Hai xin đánh thế mẹ vẫn không cho. Khâu này quan trọng lắm; đánh không đều tay để bột dọn (vón cục) là hư sự! Thật vậy, đừng có cãi, tay nghề đổ bánh thuẫn của mẹ siêu đẳng lắm, cả xóm còn phải nhờ! Bột được mẹ đánh kỹ giờ thành khối vàng nhạt, hơi phồng ụn lên, láng lẫy. Mẹ dừng đánh, đảo nhẹ một vòng thử nhấc cây lên: bột chảy chậm xuống thành dòng liền lạc, mịn bâng. Được rồi đó. Mẹ giơ ống tay áo lên quệt mồ hôi trán, nở cười…

Khuôn đồng rửa sạch bắc lên lò than cháy hực. Đợi khuôn khô mẹ dùng đũa có quấn túm giẻ ở đầu nhúng vô chén dầu ăn quét lớp bôi trơn lên các lòng khuôn. Bột sớt ra tô, dùng vá múc nhẹ nhàng đổ đầy từng khuôn bánh. Xong; đậy nắp. Cái nắp khuôn cũng bằng đồng nặng trịch, giữa có khoen để xỏ đũa bếp (đũa cả) vào mà nhấc. Nhẹ nhàng mẹ bươi, gắp bớt than củi dưới lò bỏ lên trên nắp. Chi vậy mẹ? Cho bánh chín đều, còn nở tai hoa… À, vụ này thì tôi hiểu: bánh thuẫn mà không nở tai hoa hoặc nở lúp búp sẽ bị kêu là “bánh tịt”, xấu lắm. Tới Tết, nhà nào làm bánh thuẫn lỡ bị tịt thì chỉ có nước để… nhà ăn chớ không đời nào dám đem dọn khách…

Canh đủ lửa đủ thời gian, mẹ nhẹ nhàng nhấc nắp khuôn. Làn khói mù mịt thơm nức tuôn lên khiến lũ nhỏ “chầu rìa” đứa nào mũi cũng phập phồng, nhỏm người căng mắt dòm coi “sản phẩm” đầu tiên rồi đồng loạt ồ lên: chục cái bánh trong khuôn đồng nở toác, vàng ươm. Quá đẹp! Giờ thì nụ cười của mẹ thực sự mãn nguyện. “Con Hai, tiếp tục đi, tới phần mày rồi đó”! Chị Hai dạ một tiếng phấn chấn, ngồi thế ngay chỗ của mẹ. Dùng cái nĩa nhỏ, chị khêu từng chiếc bánh xinh xinh nóng hổi ra khỏi khuôn, nhẹ nhàng đặt lên mâm có lót giấy báo. Xong chị lại tiếp tục bôi dầu, nhẹ nhàng múc bột chế tiếp vào khuôn, tác phong hết sức gọn gàng.

Ngồi cạnh lò than ấm sực trong cái lạnh cuối năm, căng mũi hít hà hương bánh mới thơm lựng mùi đường, trứng, va ni bất giác nước miếng tôi tứa đầy chân răng. Thầm mong cho có cái bánh ra lò bị bể (vỡ) để… xin. Vị bánh thuẫn mới ra lò mềm múp, nóng hổi, lựng thơm; đảm bảo ăn miếng nào nhớ miếng đó! Vậy nhưng bữa nay chị Hai làm ăn “chuyên nghiệp” quá xá: thau bột vét gần sạch trơn mà không cái bánh nào bị bể!

Nhìn bộ mặt thiểu não của tôi mẹ bật cười, bảo: thôi, Hai, chừa bột đừng vét hết. Đổ tí nước tráng thau, rót cho em mấy cái bánh “da lợn”... À, vậy còn nghe được. Mặt tôi giờ chắc có tươi hơn. Bánh “da lợn” là mẻ bánh vét thau của bánh thuẫn. Bột dính thau được tráng bằng nước nên loãng phẹt. vậy nhưng cho vào khuôn hấp chín vẫn ra được “bánh”. Những chiếc bánh hình khuôn bánh thuẫn nhưng mềm oặt, trong veo từa tựa cái bánh da lợn.

Ăn đỡ ghiền chớ sao so được cùng hương vị bánh thuẫn “chính quy”? Kệ; có còn hơn không. Số bánh thuẫn kia hãy chịu khó đợi mẹ đem sấy khô, cất kỹ, rồi bày lên cúng ông bà trước khi được quyền thưởng thức. Ít ngày nữa thôi là Tết. Sắp rồi…

Y Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/banh-thuan-ngay-tet-post177972.html