Bánh trung thu và mùa lễ hội trăng rằm có nguồn gốc thế nào?

Có giả thuyết cho rằng Tết Trung thu cùng món bánh đặc trưng bắt nguồn từ Trung Quốc cách đây hơn 3.000 năm, sau đó ảnh hưởng đến một số nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Hiện có nhiều lý giải khác nhau về nguồn gốc Tết Trung thu và món bánh trung thu ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Một giả thuyết khá phổ biến cho rằng, dịp lễ hội quan trọng giữa mùa thu cùng loại bánh đặc trưng không thể thiếu này vốn ra đời ở Trung Quốc, về sau có những ảnh hưởng nhất định đến các quốc gia lân cận. Vậy tại Trung Quốc, Tết Trung thu và bánh trung thu có từ bao giờ? Ảnh: Shizhao.

Hình thức đầu tiên của lễ hội Trung thu ở Trung Quốc được cho là bắt nguồn từ tục thờ Mặt Trăng thời nhà Chu trước Công nguyên, cách đây hơn 3.000 năm. Các hoàng đế Trung Quốc cổ đại thường tôn thờ Mặt Trời mùa xuân, Mặt Trăng mùa thu, nên thực hiện cúng tế Mặt Trăng để cầu mong vụ mùa bội thu. Ảnh: The Metropolitan Museum Of Art.

Thuật ngữ "Trung thu" xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách Chu Lễ thời Chiến Quốc (475-221 TCN), nói về luật lệ, chế độ, tập tục, lễ nghi... của nhà Chu. Song, thuật ngữ Trung thu lúc này chỉ đơn thuần nói đến thời gian và mùa vụ, không phải theo cách hiểu một lễ hội như hiện nay. Ảnh: Chinese Social Sciences Today.

Bánh trung thu có thể ra đời trong thời gian này, thậm chí là trước đó. Dân gian thường truyền kể về một loại bánh gắn với người thầy huyền thoại tên Văn Trọng, sống thời nhà Thương trước nhà Chu và cho rằng đây là nguồn gốc của bánh trung thu. Theo các nhà nghiên cứu, ban đầu bánh trung thu chủ yếu sử dụng trong các dịp cúng tế thần Mặt Trăng, về sau mới trở nên thế tục hơn. Ảnh: Shimu.

Đến thời nhà Đường (618-907), việc tôn quý Mặt Trăng trở nên phổ biến trong tầng lớp thượng lưu. Ngoài hoàng đế, quan lại và các thương gia giàu có cũng tổ chức các bữa tiệc lớn dưới ánh trăng sáng của mùa thu. Âm nhạc và vũ điệu là một phần không thể thiếu trong những dịp này. Ảnh: Flickr.

Có chuyện kể rằng, vua Đường Minh Hoàng trong một dịp Trung thu đã tình cờ nếm thử bánh Hồ, một loại bánh được bày bán nhiều ở kinh đô Trường An lúc bấy giờ. Vua rất ngạc nhiên trước hương vị thơm ngon của bánh. Dương Quý Phi ngắm ánh trăng tròn giữa bầu trời đêm, đề nghị gọi tên là bánh Nguyệt, gợi liên tưởng đến bóng trăng. Ảnh: Bridges Chinese Network.

Thực chất, bánh Hồ là một dạng bánh trung thu phát triển từ loại bánh "thủy tổ" trước đó. Những hạt vừng, hạt óc chó... có trong thành phần nguyên liệu bánh được một viên quan nhà Hán tên Trương Khiên đem về từ vùng dân tộc thiểu số phía tây Trung Quốc gọi là Hồ, nên người ta cũng gọi đây là bánh Hồ. Ảnh: GourmetEstorie.

Trung thu trở thành một lễ hội dưới triều Tống (960-1279). Từ đó thành phong tục, cứ đến ngày 15/8 âm lịch hàng năm, người ta lại tổ chức lễ hội Trung thu. Ảnh: China Daily.

Tuy nhiên theo quan điểm của nhiều học giả, truyền thống ăn bánh trung thu trong dịp lễ hội Trung thu mới có từ thế kỷ 13-14. Theo lời truyền kể, dưới thời nhà Nguyên (1279-1368), để chống lại sự cai trị của người Mông Cổ lúc đó, các mật tin thông báo việc nổi dậy đã được truyền đi trong bánh trung thu. Bánh từ đó có một ý nghĩa đặc biệt, trở thành món ăn quan trọng nhất của mùa trăng rằm tại Trung Quốc. Ảnh: Legacy Of Taste.

Lễ hội Trung thu đạt đến đỉnh phổ biến dưới triều nhà Minh và nhà Thanh (1368-1912). Lúc này, Tết Trung thu là sự kiện quan trọng trong năm giống Tết Nguyên đán. Bánh trung thu theo thời gian cũng có nhiều cải tiến hơn. Trong thời kỳ này, vỏ bánh trung thu trở nên tinh tế, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Ảnh: South China Morning Post.

Tại Trung Quốc, Tết Trung thu trở thành ngày nghỉ lễ từ năm 2008. Dù một số hoạt động truyền thống đã dần biến đổi, song mùa lễ hội trăng rằm vẫn giữ ý nghĩa quan trọng trong đời sống người dân nước này. Ảnh: China Daily.

Ở một số nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Trung thu cũng là dịp đặc biệt trong năm. Song tùy văn hóa mỗi quốc gia, lễ hội này mang nét ý nghĩa riêng, như tại Việt Nam, Trung thu còn gọi Tết Thiếu nhi, hướng đến đối tượng chính là trẻ em. Ảnh: Tiến Tuấn.

Qua nhiều thăng trầm lịch sử, bánh trung thu ngày nay dù có nhiều biến thể khác nhau, kết hợp một số hương vị Tây phương, song vẫn là món ăn đặc trưng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Trung thu. Bánh được xem là biểu tượng của sự hòa hợp, đoàn viên, cầu chúc may mắn. Ảnh: CGTN.

Lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam 3.000 học sinh tham gia lễ hội rước đèn Trung thu tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), diễu hành qua các phố. Đây là lễ hội Trung thu được công nhận lớn nhất Việt Nam.

Song Phúc
Theo China Highlights

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/banh-trung-thu-va-mua-le-hoi-trang-ram-co-nguon-goc-the-nao-post876272.html