Báo Anh: HMS Defender không thể diệt hạm Iran

Tờ Telegraph của Anh vừa có bài viết nói về quyết định điều chiến hạm tối tân của London tới vịnh Ba Tư để răn đe Iran.

Quyết định điều động được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết trong thông cáo ngày 4/1:

"Tôi lệnh cho hộ vệ hạm HMS Montrose và khu trục hạm HMS Defender nối lại nhiệm vụ hộ tống các tàu hàng mang cờ Anh. Chính phủ sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để bảo vệ tàu và công dân Anh tại thời điểm này".

Chiến hạm Anh.

Chiến hạm Anh.

Anh từng triển khai tàu chiến hộ tống tàu hàng đi qua eo biển Hormuz sau khi tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh bị Iran bắt hồi tháng 7/2019. Hoạt động hộ tống này chấm dứt từ tháng 11/2019, sau khi Iran thả tàu Stena Impero.

Việc nối lại chiến dịch hộ tống tàu hàng được Anh đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông gia tăng sau vụ Mỹ không kích giết thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Tehran đã đe dọa sẽ tiến hành các hoạt động "trả thù tàn khốc" nhắm vào các mục tiêu của Mỹ trong khu vực. Chỉ huy IRGC tại tỉnh Kerman Gholamali Abuhamzeh nói nước này "đã xác định 35 mục tiêu Mỹ trong tầm ngắm" và ám chỉ khả năng tấn công tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Hormuz.

"Các lực lượng Mỹ liên tục bị dân quân do Iran hậu thuẫn tấn công trong vài tháng qua. Tướng Soleimani là trung tâm của hoạt động sử dụng lực lượng ủy nhiệm phá hoại các quốc gia có chủ quyền láng giềng và nhằm vào đối thủ của Iran", Wallace viết trên Twitter.

Hôm 4/1, Chính phủ Anh khuyến cáo công dân tránh du lịch tới Iran và Iraq. Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ về nước hôm nay sau kỳ nghỉ Giáng sinh ở vùng biển Caribbean. Johnson chưa bình luận về vụ Mỹ không kích giết tướng Iran.

Phản ứng với quyết định tăng cường HMS Defender đến vùng Vịnh, tờ Telegraph của Anh cho rằng, đây có thể là quyết định sai lầm của Hải quân nước này. Bởi khu trục hạm HMS Defender hiện không có vũ khí để thực hiện nhiệm vụ chống hạm trong khi đòn tấn công diệt hạt của Iran được đánh giá là hàng đầu khu vực.

Kể từ năm 2018, HMS Defender và đội tàu chiến cùng lớp Daring trong cuộc chiến thực sự chỉ có thể dựa vào mỗi pháo hạm, bởi vì tên lửa chống tàu Harpoon bị loại bỏ khỏi danh mục vũ khí, còn vũ khí thay thế chỉ có thể xuất hiện không sớm hơn năm 2028, tờ Telegraph cho biết.

Trước thực tế này, một cựu sĩ quan cao cấp của Hải quân Anh nói rằng, quyết định này đã tước đi cơ hội đối đầu bình đẳng của tàu chiến nước này đối với chiến hạm của Iran, Nga hay bất kỳ đối thủ nào.

Hành động của chính phủ là vô trách nhiệm. Báo Anh cho rằng tàu chiến nước này chỉ "phù hợp cho diễu hành, chứ không thể để chiến đấu". Ngoài thực tế không có tên lửa, dàn chiến hạm lớp Daring còn đang đối mặt với nguy cơ bị chết máy bất cứ lúc nào khi tác chiến tại những vùng biển có nước ấm.

Nguy cơ này đã được chính người Anh thừa nhận. Mỗi chiếc tàu loại này được trang bị 2 động cơ do tập đoàn Rolls Royce sản xuất, có hệ thống làm mát để thu hồi nhiệt năng và tái tạo năng lượng.

Nhưng lỗ hổng thiết kế làm động cơ yếu dần trong vùng biển nóng và nó không thể phát đủ năng lượng. Hệ thống điều khiển không nhận ra điều này khiến toàn bộ thiết bị điện tử ngừng hoạt động.

Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu loạt tàu này đang tác chiến lại bỗng dưng chết máy. Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra khi những chiếc tàu này làm nhiệm vụ gần Iran.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/bao-anh-hms-defender-khong-the-diet-ham-iran-3394658/