'Bảo bối' mất tác dụng

Để tránh những ý kiến 'không tập trung', trong ngày sinh hoạt chính trị văn hóa tinh thần của tiểu đoàn, Nam luôn chủ động bồi dưỡng cho chiến sĩ trung đội mình những ý kiến trọng tâm làm 'bảo bối' trước khi sinh hoạt.

Nhờ có bạn thân làm trợ lý tuyên huấn của trung đoàn, nên Nam nắm khá chắc lịch phân công các thủ trưởng dự sinh hoạt với đơn vị. Theo kinh nghiệm các lần trước đây, thì thủ trưởng cơ quan nào dự sinh hoạt Nam sẽ bồi dưỡng cho chiến sĩ trung đội mình từ 3 đến 4 ý kiến tập trung "ca ngợi" cơ quan ấy.

Tháng này, theo lịch phân công, đồng chí Phó chính ủy trung đoàn sẽ dự sinh hoạt với đơn vị Nam. Đến buổi sinh hoạt Nam khá tự tin, vì các nội dung có tính “bảo bối” đã triển khai cho các chiến sĩ và tiểu đội trưởng. Nhưng thật bất ngờ, đến phút chót đồng chí Phó chính ủy lại đi công tác đột xuất, nên đồng chí Phó trung đoàn trưởng quân sự dự sinh hoạt và yêu cầu tất cả cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên tập trung sinh hoạt ở hội trường. Thế là kế hoạch của Nam đổ bể, bao nhiêu nội dung Nam "bồi dưỡng" cho các chiến sĩ và tiểu đội trưởng đều vô tác dụng. Các tiểu đội trưởng dự sinh hoạt đều phát biểu theo gợi ý của Phó trung đoàn trưởng. Vì thế ngay cả những vấn đề được coi là "nhạy cảm" ở đại đội như: cán bộ còn chưa gần gũi bộ đội, khi ra thao trường cán bộ còn ngại nắng, không sửa tập cho bộ đội mà giao hết cho tiểu đội trưởng v.v... đều được anh em nói ra cả. Theo dõi buổi sinh hoạt, Nam bồn chồn lo lắng, trong lòng nóng như lửa đốt. Kết thúc buổi sinh hoạt, đồng chí Phó trung đoàn trưởng tập trung cán bộ toàn tiểu đoàn để rút kinh nghiệm, đề cập rất nhiều vấn đề cần giải quyết ở đơn vị. Không khí hội trường như chùng xuống khi nghe thủ trưởng trung đoàn thông báo lại ý kiến của bộ đội.

- Tôi được biết có trung đội trưởng đã ngại rèn luyện lại còn hay nói với bộ đội: "Các chú cứ phấn đấu lên làm cán bộ như anh cho sướng!". Như thế là không đúng, bởi người cán bộ luôn phải làm gương cho bộ đội, nhất là trong những việc khó, thời điểm khó khăn, tuyệt đối không được nghĩ mình là cán bộ thì được phép nhàn nhã hơn chiến sĩ.

Ngồi nghe thủ trưởng nói tới đó, Nam liền cúi mặt xuống, bởi đó chính là câu cửa miệng của Nam mỗi khi đứng trước đơn vị. Nam chưa hết bàng hoàng, thì tiếng thủ trưởng trung đoàn lại vang lên: "Xin mời đồng chí Nam Trung đội trưởng Trung đội 1 đứng dậy, theo đồng chí thì trong đơn vị ta có hiện tượng đó không?".

Nghe Phó trung đoàn trưởng hỏi, mặt Nam càng đỏ. Anh đứng lên ấp úng: "Dạ… báo cáo thủ trưởng, tôi cho rằng… tôi cho rằng...".

- Thôi mời đồng chí ngồi xuống. Như vậy là có thể đồng chí chưa nắm chắc. Nhưng trong đơn vị ta có hiện tượng đó đấy. Vì vậy, cán bộ trung đội, đại đội càng cần phải làm tốt việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bộ đội, chia sẻ khó khăn với bộ đội thì mới hiểu và chỉ huy được họ.

Chuyện xảy ra cũng đã lâu, bây giờ Nam đã trở thành cán bộ cấp tiểu đoàn, nhưng anh vẫn không quên bài học về "rèn mình - rèn chiến sĩ" từ những ngày đầu làm cán bộ.

NGUYỄN VĂN TUÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bao-boi-mat-tac-dung-551978