'Bảo bối' quy trình

Chiều 2-4, trước những phản ứng của dư luận, cuối cùng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã hủy quyết định bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn, người bị Thủ tướng Chính phủ cách chức phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, làm chánh văn phòng sở này.

Sở Xây dựng là nơi ông Tuấn từng làm bí thư Đảng ủy, giám đốc sở trước khi bước lên vị trí phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và để lại tai tiếng do "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ", đặc biệt là "nâng đỡ không trong sáng" một nữ tạp vụ, đến mức bị Ban Bí thư Trung ương Đảng kỷ luật, cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Lãnh đạo thì vẫn là con người nên khó tránh lỗi lầm, sai phạm. Nhưng nếu đã tha hóa phẩm chất thì chắc chắn không thể cống hiến hết tâm sức cho công việc được giao. Bởi thế, chống tha hóa luôn được Đảng, nhà nước đưa lên hàng đầu nhằm tạo ra một đội ngũ công chức "vừa hồng vừa chuyên". Cán bộ mà như ông Tuấn thì đấy không thể là công chức "vừa hồng vừa chuyên" để bố trí vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là vị trí chánh văn phòng của một sở tiếp xúc nhiều công dân, doanh nghiệp - một vị trí rất cần người có đủ phẩm chất, uy tín.

Giải thích về việc bố trí ông Tuấn làm chánh văn phòng Sở Xây dựng, người đứng đầu Sở Nội vụ tỉnh cho rằng quy chế công chức, viên chức được bổ nhiệm cần có các điều kiện như "phải nằm trong quy hoạch chức vụ lãnh đạo quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; bảo đảm độ tuổi, kinh nghiệm và thời gian công tác" và ông Tuấn đều đáp ứng. Chưa kể "đã hết thời gian chịu kỷ luật" nên việc bố trí giữ các vị trí trưởng, phó phòng là bình thường.

Trường hợp ông Tuấn khiến nhiều người liên tưởng đến chuyện một vị nguyên là phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Trà Vinh bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền nhưng ngay sau đó lại được điều về làm giám đốc Sở Công Thương; một loạt cán bộ tỉnh Quảng Ngãi bị kỷ luật do liên quan trách nhiệm trong sai phạm tại kỳ thi tuyển giáo viên năm 2017-2018 nhưng ngay sau đó vẫn được bổ nhiệm làm lãnh đạo ở vị trí khác… Nhiều lắm!

Quy trình là "bảo bối" thường được đưa ra để giải thích cho những trường hợp như thế khi dư luận phản ứng. Nhưng quy trình nào thì cũng chỉ là cái khung, khi áp dụng phải phù hợp thực tiễn. Cán bộ đã bị xác định là sai phạm nghiêm trọng, đảng viên đã bị cắt hết các chức danh trong Đảng thì rất khó để "một sớm một chiều" phục hồi được uy tín đối với quần chúng. Cho nên, việc đưa cán bộ vừa hết "thời gian chịu kỷ luật" hay vừa bị kỷ luật bố trí vào vị trí lãnh đạo là phải hết sức cân nhắc, nếu không muốn du di cho sai phạm, thậm chí là cản trở sự trưởng thành của các nhân tố mới.

Lương Duy Cường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/bao-boi-quy-trinh-20190402215009236.htm