Báo cáo kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018

Ngày 20/12, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 3207/BXD-PC gửi Bộ Tư pháp về việc báo cáo kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018 và dự kiến kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019.

Ảnh minh họa.

Thực hiện báo cáo định kỳ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định tại Quyết định số 2708/QĐ-BTP ngày 29/12/2017 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018, Bộ Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018 và dự kiến kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019 như sau:

Về kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018: Bộ Xây dựng đã xây dựng văn bản triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Quyết định số 2708/QĐ-BTP ngày 29/12/2017 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2018 (Quyết định số 1360/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng).

Về kết quả triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Bộ Xây dựng đã tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật.

Cụ thể, ngày 27/09/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản số 2421/BXD-PC chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ nghiêm túc triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật” bảo đảm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018 có chất lượng, thiết thực và hiệu quả. Xác định hưởng ứng Ngày pháp luật là việc làm hàng ngày, thường xuyên, liên tục; mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng đã chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, thực hiện các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan theo chủ đề, khẩu hiệu, hệ thống áp phích, băng rôn tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Bộ Xây dựng đã đăng tải các tài liệu, bài viết và hình ảnh về triển khai thực hiện Ngày Pháp luật trên Trang Thông tin điện tử của Bộ.

Ngày 15/11/2018, Bộ Xây dựng đã tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018 gắn với tổng kết 05 năm triển khai thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua đó nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ pháp luật cho các cán bộ, công chức, viên chức trong ngành.

Về việc thực hiện việc rà soát và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật: Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Thông tư 10/2016/TT-BTP ngày 22/07/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng đã thực hiện việc rà soát danh sách báo cáo viên pháp luật Trung ương đã được công nhận để thực hiện việc điều chỉnh, cập nhật thông tin; đề nghị miễn nhiệm 15 báo cáo viên pháp luật đối với những người đã nghỉ hưu theo chế độ hoặc không còn công tác tại Bộ. Đồng thời, lựa chọn và lập danh sách 53 cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc Bộ Xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định để đề nghị Bộ Tư pháp công nhận là báo cáo viên pháp luật Trung ương đảm bảo nguồn lực thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại Bộ Xây dựng (tại Văn bản số 2993/BXD-PC ngày 26/11/2018 của Bộ Xây dựng).

Về công tác triển khai thực hiện các hình thức tập huấn và phổ biến, giáo dục pháp luật: Bộ Xây dựng đã tổ chức 162 lớp tập huấn và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ với 18.305 lượt học viên; đối tượng chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp hoạt động xây dựng về các nội dung pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng. Đồng thời, triển khai Kế hoạch số 652/KH-BTP ngày 05/03/2018 của Bộ Tư pháp thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên” năm 2018, Bộ đã quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cán bộ, công chức, viên chức thuộc Đoàn Thanh niên của Bộ.

Phổ biến, giáo dục pháp luật qua hình thức trả lời văn bản: Trong năm 2018, Bộ Xây dựng đã trả lời, giải đáp, làm rõ 280 kiến nghị, phản ánh vướng mắc của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; trả lời trên 83 kiến nghị của cử trí và đại biểu Quốc hội có nội dung liên quan đến các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng.

Phổ biến pháp luật thông qua báo, tạp chí và Trang thông tin điện tử của Bộ: Báo Xây dựng, Tạp chí Xây dựng, Ấn phẩm Thông tin xây dựng cơ bản và Khoa học công nghệ xây dựng, Tạp chí Xây dựng và Đô thị... đều có trang mục để đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật và "Hỏi - Đáp pháp luật", chuyên mục giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật. Thời gian qua, hình thức phổ biến pháp luật này của Bộ đã phát huy hiệu quả rất tích cực, được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thường xuyên tìm đọc.

Về công tác xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019 của Bộ Xây dựng: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Xây dựng được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục; kết hợp giữa kinh phí từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của Bộ và có sự phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, doanh nghiệp để tổ chức phổ biến pháp luật cho các đối tượng tham gia hoạt động xây dựng. Do vậy, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; thông qua việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật đã giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ các quy định của pháp luật về xây dựng để thực hiện; các công chức, viên chức, người lao động trực thuộc Bộ được mở rộng và cập nhật các quy định mới, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các chủ thể khác trong việc thực thi pháp luật về xây dựng.

Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc như: Sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua còn thiếu tính đồng bộ và chưa chặt chẽ;

Một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa coi trọng ý nghĩa, hiệu quả và vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức tự giác nghiên cứu học tập chưa cao nên việc tham gia nghiên cứu học tập tại các lớp tập huấn chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc;

Kinh phí phục vụ công tác phố biến, giáo dục pháp luật từ nguồn chi thường xuyên của Bộ còn hạn hẹp. Chế độ bồi dưỡng đối với các báo cáo viên theo quy định hiện nay còn quá thấp, chưa thu hút được các báo cáo viên có kỹ năng và trình độ chuyên môn cao;

Cán bộ, công chức thực hiện công tác pháp chế nói chung và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng còn hạn chế về số lượng. Các Cục, Vụ trực thuộc Bộ chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế nên việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Bộ Xây dựng có một số đề xuất, kiến nghị như sau: Bộ Tư pháp cần tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cần có cơ chế bố trí kinh phí hợp lý, tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác pháp chế nói chung và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng, để các Bộ, ngành, địa phương có điều kiện thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật được thuận lợi, hiệu quả hơn;

Cần tăng cường hơn nữa vai trò, hiệu quả của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương trong hoạt động tổ chức các buổi giao lưu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các thành viên của Hội đồng nhằm chia sẻ mô hình hay, cách làm sáng tạo trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.

Về kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019: Tiếp tục thực hiện việc quán triệt đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Bộ;

Triển khai thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019 của Bộ Xây dựng; tăng cường tập huấn, phổ biến văn bản mới tới từng địa phương, tập trung theo định hướng vùng miền, nhất là các địa phương có điều kiện tiếp cận còn nhiều khó khăn; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu của Chính phủ;

Đổi mới phương pháp, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo tính tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng tài liệu tập huấn, phổ biến pháp luật; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, triển khai trên diện rộng những hình thức mới đang phát huy hiệu quả trên thực tế;

Thực hiện rà soát và kiện toàn báo cáo viên pháp luật đảm bảo đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, chất lượng;

Xây dựng, quản lý và khai thác hiệu quả Tủ sách pháp luật của Bộ, thực hiện đa dạng hóa các đầu sách để phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức.

Huyền Trang

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/bao-cao-ket-qua-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-nam-2018.html