Báo cáo mới - trật tự cũ

Giải pháp kiểu 'ra văn bản' với 'có văn bản' ấy thì đúng là chỉ duy trì được trật tự cũ đã là may, chứ làm sao có thể ra một trật tự mới văn minh như mong đợi.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè 6 tháng đầu năm ở TP.HCM cho thấy rất nhiều việc đã được làm, rất nhiều giải pháp được đề ra, nhưng dường như nhếch nhác lòng đường, vỉa hè đã trở về “trật tự cũ”.

Làm được những gì? Là triển khai chỉ đạo kịp thời, là thực hiện những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, là phối hợp chặt chẽ, là ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành giao thông. Không có gì để chê được cả và phải thừa nhận là khối lượng công việc làm được rất đáng kể.

Nhưng vẫn tồn tại thực trạng gì? Là tồn tại thứ thực trạng mà chỉ đọc qua thôi cũng đủ biết là chẳng có chuyển biến gì cả, nếu không muốn nói là mọi thứ vẫn ở trong trật tự cũ. Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng buôn bán lấn chiếm và tái lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè và chợ tự phát vẫn diễn ra nhiều nơi, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Rất đáng để bàn khi mà cả ba mục việc được nói đến trong phần báo cáo về công tác phối hợp chấn chỉnh trật tự lòng đường, vỉa hè đều là ba mục nói đến việc “ban hành văn bản”. Là “ban hành văn bản” tăng cường đảm bảo công tác quản lý và thu phí tạm thời sử dụng lòng đường để đỗ xe ô tô. Là “có văn bản” nhắc nhở các quận huyện tăng cường công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè. Là “có văn bản” đề nghị UBND các quận huyện tăng cường công tác chấn chỉnh trật tự lòng lề đường tại các vị trí, địa điểm phức tạp. Ở nhiều mục khác cũng cứ là “ra văn bản”. Giải pháp kiểu “ra văn bản” với “có văn bản” ấy thì đúng là chỉ duy trì được trật tự cũ đã là may, chứ làm sao có thể ra một trật tự mới văn minh như mong đợi.

Nói riêng chuyện lề đường, vỉa hè, nhìn tưởng chuyện đơn giản nhưng kỳ thực là một mặt trận hỗn chiến giữa ba “lực lượng” kinh tế. Một là “kinh tế vỉa hè” mà người nghèo đô thị là lực lượng chính, bám trụ kiên cường ở vỉa hè để kiếm kế sinh nhai mà cũng là để trụ lại trong giới hạn của cuộc sống lương thiện. Hai là “kinh tế mặt tiền” mà lực lượng chính là những nhà có lợi thế nhà mặt phố, muốn khai thác triệt để, lấn chiếm mở rộng để dễ làm ăn kinh doanh. Ba là “kinh tế ngầm”, với những thỏa thuận lợi ích không hề đơn giản, và không dễ để chỉ mặt gọi tên lực lượng nào là lực lượng chủ đạo.

Lòng đường cũng thế. Chuyện xe tải, xe ben vào nội đô, chuyện xe quá khổ quá tải thấy vậy mà không dễ dẹp. Nhưng đã không dễ dẹp thì giải pháp can thiệp, tác động của nhà quản lý phải rõ ràng, cụ thể và bám sát thực tế, chứ không thể cứ chung chung kiểu “ra văn bản”, “có văn bản”. Rồi chờ báo cáo 6 tháng, báo cáo cuối năm, với cái nghịch lý làm được nhiều việc nhưng trật tự vẫn là trật tự cũ. Không thấy một lãnh đạo phường, quận nào phải chịu xử lý kỷ luật vì chịu trách nhiệm cho tình trạng lòng đường vỉa hè bị lấn chiếm như thành phố nhiều lần khẳng định...

Huỳnh Văn Thông

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/bao-cao-moi-trat-tu-cu-1105730.html