Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng góp ý cho dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Trước đó, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 2 vào tháng 10/2021, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh” với tổng mức đầu tư gần 200 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh quản lý. Dự kiến, dự án được triển khai trong vòng 4 năm, kể từ ngày khởi công (quý IV - 2024).

Điện Cần Chánh được xây dựng từ năm 1804 dưới thời vua Gia Long, đến khi bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1947 thì công trình từng được tu sửa 11 lần với những mức độ khác nhau, qua các thời vua triều Nguyễn. Đây là một trong những công trình nằm trên trục thần đạo của Hoàng thành Huế cùng với Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Đại Cung môn, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung… Các công trình di tích trên trục thần đạo đang được bảo tồn tu bổ, phục hồi như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung…

Hiện trường khai quật khảo cổ di tích điện Cần Chánh, Tử Cấm thành, Đại Nội Huế

Dưới triều Nguyễn, điện Cần Chánh là nơi nhà vua tổ chức lễ Thường triều vào các ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hằng tháng. Đây cũng là nơi tổ chức tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình. Theo các tư liệu, trước khi bị phá hủy, điện Cần Chánh có kết cấu: Chính điện có 5 gian và 2 chái kép, tiền điện có 7 gian và 2 chái đơn.

Qua nghe báo cáo của đơn vị tư vấn thiết kế, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà nghiên cứu đều thống nhất cao hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và cho rằng, đây là thời điểm thích hợp nhất để phục hồi công trình. Các thành viên tham dự cũng có những góp ý việc tu bổ di tích điện Cần Chánh cần thực hiện cẩn thận và nên phân chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tập trung phục hồi toàn bộ kiến trúc công trình; giai đoạn 2 mới phục hồi các chi tiết trang trí, nội thất và các hạng mục còn lại. Lưu ý mối quan hệ giữa điện Thái Hòa và điện Cần Chánh để làm rõ tầm quan trọng của của công trình; lưu ý kích thước, kết cấu công trình cũng như nghiên cứu phương án phát huy giá trị cho công trình sau khi phục hồi. Đồng thời, tên dự án nên đổi thành Phục hồi di tích điện Cần Chánh.

Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung thông tin, quá trình nghiên cứu về điện Cần Chánh đã được triển khai từ hàng chục năm trước với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế; trong đó, có các chuyên gia đến từ Đại học Waseda (Nhật Bản). Cũng trong suốt hàng chục năm qua, Trung tâm triển khai nghiên cứu, thu thập được rất nhiều tư liệu, hình ảnh quý về công trình di tích này. Cùng với kết quả của đợt khảo cổ, điện Cần Chánh trước đó đã có thêm nguồn cứ liệu khoa học chân xác cho việc triển khai phương án phục hồi di tích điện Cần Chánh.

LIÊN MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/du-lich/di-san-van-hoa/bao-cao-nghien-cuu-dau-tu-du-an-phuc-hoi-di-tich-dien-can-chanh-136933.html