Bao cao su giả và nỗi lo hiểm họa

Thực phẩm giả, hàng hóa tiêu dùng giả đã không còn mới mẻ giờ đến bao cao su cũng được làm giả với số lượng lớn. Việc sử dụng bao cao su giả gây ra những hiểm họa cho người dùng đã được các chuyên gia lên tiếng.

Bao cao su giả vừa bị bắt tại TPHCM.

Hàng ngàn bao cao su giả đến tay khách hàng

Công an huyện Hóc Môn, TPHCM vừa phát hiện một cơ sở sản xuất bao cao su giả. Xưởng sản xuất bao cao su giả với nhiều mẫu mã nổi tiếng trên thị trường được sản xuất bằng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thậm chí dùng cả keo dán xăm lốp ôtô để hoàn thiện sản phẩm.

Khi ập vào 2 căn nhà trên đường 26/1c (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM), lực lượng chức năng phát hiện hàng chục công nhân đang sản xuất bao cao su giả. Theo lời khai và khám xét tại hiện trường, lực lượng chức năng xác định quy trình sản xuất bao cao su ở đây hoàn toàn bằng thủ công. Nguyên vật liệu sử dụng như cao su, chất bôi trơn... đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các công nhân thậm chí còn dùng cả keo dán xăm lốp ôtô để hoàn thiện sản phẩm.

Mỗi ngày, các công nhân cho ra lò khoảng 200 đến 300 cái bao cao su. Sản phẩm làm ra sau đó được bán chủ yếu tại TPHCM và khách hàng có thể đặt mua trên cả mạng.

Thị trường bao cao su khá sôi động. Khách hàng có nhu cầu không cần tới cửa hàng, chỉ một nút nhấp chuột “bán bao cao su” sẽ có hàng trăm kết quả hiện ra. Các cơ sở bán bao cao su trên mạng có mặt ở khắp các tỉnh, thành với những tên bán hàng như shop bao cao su Hà Nội, Shop bao cao su 24h, bao cao su chính hãng, bao cao su 247… Việc đặt mua khá dễ dàng, khách hàng chỉ cần báo số lượng, chủng loại ngay lập tức cửa hàng sẽ vận chuyển đến trong thời gian sớm nhất.

Một điều chắc chắn, khách hàng khó có thể biết được chất lượng bao cao su ra sao. Họ đặt niềm tin vào người bán hàng. Trước thông tin bao cao su giả bị bắt, nhiều khách hàng không khỏi giật mình. Đã có bao nhiêu chiếc bao cao su giả đến tay người tiêu dùng?

Bao cao su không phải đồ chơi

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà (Hà Nội) kể: Trong quá trình khám chữa bệnh, bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp “tai nạn” vì chiếc bao cao su. Không ít bệnh nhân đến phòng khám khóc mếu, hỏi bác sĩ tại sao họ đã dùng bao cao su vẫn có thai ngoài ý muốn.

Hay câu chuyện cặp đôi sinh viên ở Hà Nội có quan hệ tình dục và gặp một tai nạn rất hi hữu khi phòng tránh thai bằng túi ni lông khiến nhiều người giật mình khi chính bản thân mình cũng không biết sử dụng đúng cách. Cặp đôi đã sử dụng túi ni lông thay bao cao su trong khi "quan hệ". Hai bạn trẻ đã được bệnh viện tiếp nhận trong tình trạng tổn thương cơ quan sinh dục với những vết trầy xước, chảy máu.

Theo thông tin từ bệnh nhân, do ngại ngùng nên cặp đôi đã không đi mua bao cao su khi quan hệ tình dục. Thay vào đó, cả hai đã nghĩ ra biện pháp tránh thai khác và cho rằng có tác dụng không kém gì bao cao su. Đó chính là sử dụng túi ni lông. Do túi ni lông không có độ co giãn và bôi trơn như bao cao su nên cả hai đã gặp tai nạn "dở khóc dở cười" này.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết, bao cao su hay còn gọi là condom (tiếng Anh), “áo mưa” có hình dạng nhìn thấy rất nhỏ bé nhưng thực tế có độ co giãn rất lớn. Bao cao su hiện đại hầu hết làm bằng nhựa, đôi khi cũng được làm bằng nhựa tổng hợp, polyisoprene hoặc ruột cừu, mủ cao su... Bao cao su có nhiều loại kích cỡ khác nhau phù hợp với từng “cậu nhỏ”. Một chiếc bao cao su có thể có độ co giãn cực lớn, chứa được hơn 3,7 lít chất lỏng, tương đương 16 ly sữa nhỏ, cho cả cân thịt vào bao cao su mà vẫn có thể gói được. Con số này quả thực rất ấn tượng.

Xét về mặt co giãn, chắc chắn ni lông không thể có độ co giãn tốt như bao cao su. Do đó, sử dụng ni lông thay cho bao cao su trong khi quan hệ sẽ có độ an toàn không cao. Trong khi đó, khả năng co giãn của bao cao su rất tuyệt vời, đảm bảo cho nhiều kích cỡ khác nhau của dương vật khi quan hệ.

Chưa hết, bao cao su có chất bôi trơn. Chất bôi trơn trong bao cao su giúp cho dương vật xâm nhập vào âm đạo trong quá trình quan hệ được dễ dàng hơn, đảm bảo cảm xúc yêu vẫn được thăng hoa mà không gây hại cho vùng kín.

Ngoài ra, bao cao su còn có tính vô khuẩn. Nếu bạn có ý định thay ni lông cho bao cao su khi quan hệ thì đừng quên, ni lông không có tính vô khuẩn. Do đó, mọi tiếp xúc ở cơ quan sinh dục lúc này trở nên vô cùng đáng ngại. Không chỉ xây xát, tổn thương ngay trước mắt mà còn có thể khiến nạn nhân bị viêm nhiễm, nhiễm khuẩn nấm nặng nề, dễ mắc các bệnh viêm âm đạo, bệnh phụ khoa cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nói chung.

Cũng theo bác sĩ Dung, hành sự thất bại thường có hai nguyên nhân. Một là người sử dụng quá phụ thuộc vào chất lượng của bao cao su. Khi bao cao su kém chất lượng, chất bôi trơn không đảm bảo có thể gây tụt bao, cọ xát gây rách. Hơn nữa, bao cao su kém chất lượng, không đạt chuẩn có thể bị rách mà người sử dụng không biết. Bao cao su cũng có hạn sử dụng và khi hết hạn sử dụng nó sẽ không thực hiện tốt chức năng ngăn cản tinh trùng gặp trứng để tránh thai.

Bao cao su giả - hiểm họa thật

Hiện nay, trên thị trường bày bán nhiều loại bao cao su với những mẫu mã và mùi hương khác nhau. Bao cao su giả, nhái là sản phẩm đội lốt các thương hiệu nổi tiếng và thường được đặt với cái tên na ná như Ok! Happy Gold, OKAchoi... Mác đóng hàng nhập khẩu từ Thái, Indonechia, Pháp, Đức... Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở sản phẩm kém chất lượng là chất tạo độ trơn không bảo đảm, độ liên kết đàn hồi thấp, dễ bị rách, có mùi hóa chất khá mạnh, nét chữ trên bao bì thường mờ, nhòe, vỏ bao khó xé... Một vài loại bao cao su có những lỗ siêu nhỏ, có thể lọt nước hoặc không khí.

Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), có đến 85% bao cao su bán trôi nổi ở thị trường, không phân phối chính hãng. Chính vì thế, nguy cơ mua phải hàng giả là rất lớn. Trung bình mỗi năm, người dân Việt Nam sử dụng 500-600 triệu bao cao su, đại đa số dành cho nam giới. Tuy nhiên, đa phần người mua chỉ quan tâm đến mẫu mã, giá cả hoặc mùi hương chứ không quan tâm có phải hàng thật hay không. Người dân không chỉ dùng bao cao su như biện pháp tránh thai, tránh bệnh mà còn có nhu cầu tăng cảm xúc, giúp thăng hoa trong đời sống lứa đôi.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cảnh báo, để tiết kiệm chi phí, nhà sản xuất đã thay thế bằng các chất liệu rẻ tiền, khiến tăng nguy cơ phát sinh, lây nhiễm các bệnh phụ khoa và gây tổn hại đến hệ thống sinh sản. Do quy trình sản xuất bao cao su giả không an toàn, không được kiểm định về chất lượng nên đây còn là môi trường lý tưởng của các loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Nếu sử dụng và bị viêm nhiễm trong thời gian dài, người dùng có thể bị vô sinh. Bên cạnh đó, bao cao su chất lượng kém còn có khả năng bị thủng, rách bất cứ lúc nào. Điều này sẽ dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn hoặc lây nhiễm các bệnh tình dục như HIV, lậu, giang mai…

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở các sản phẩm kém chất lượng là chất tạo độ trơn không đảm bảo, độ liên kết đàn hồi thấp, dễ bị rách, có mùi hóa chất khá mạnh, nét chữ trên bao bì thường mờ, nhòe, vỏ thường làm từ nhôm, các cạnh lởm chởm, khó xé. Trong khi đó, bao cao su thật có logo và thông tin của chính hãng trên hộp, vỏ kẽm được in sắc nét, nổi ở cả hai mặt, mặt sau ghi rõ hạn sử dụng (thông thường là 5 năm). Bên cạnh đó, bao cao su “xịn” có đủ chất bôi trơn bên trong, màu sắc đồng đều.

Đầu năm 2018, Cảnh sát Trung Quốc thu giữ 1,7 triệu bao cao su giả từ Durex cho tới Okamoto. Bao cao su giả là một vấn nạn tại Trung Quốc. Hàng triệu hộp bao cao su giả, nhái đã được phát hiện ở Thượng Hải (2015), Giang Tây (2014) và Phúc Kiến (2013).

Vào tháng 3.2017, nhà chức trách ở Mỹ đã tịch thu hàng nghìn hộp bao cao su giả ở Puerto Rico, toàn bộ được sản xuất tại Trung Quốc.

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/suc-khoe/bao-cao-su-gia-va-noi-lo-hiem-hoa-625587.ldo