Báo chí góp phần nuôi dưỡng và xây dựng một xã hội đầy tình yêu thương

'Cùng với việc giúp vận động được rất nhiều tiền của, nguồn lực cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện, báo chí còn làm được nhiều điều có giá trị hơn là nuôi dưỡng, xây dựng một xã hội luôn quan tâm, yêu thương và giúp đỡ những người nghèo khổ, khó khăn, bất hạnh', Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc nhận định.

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), Báo Nhân đạo và Đời sống có bài phỏng vấn ông Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc. Ảnh: Đức Long.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc. Ảnh: Đức Long.

Báo chí phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò và những đóng góp của báo chí Việt Nam cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay?

+ Ông Mai Đức Lộc: Trong những năm qua, với chức năng và nhiệm vụ của mình, báo chí Việt Nam giữ vai trò hết sức quan trọng và đã có nhiều đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước ta. Có thể nói, nếu không có sự tham gia của báo chí thì trong nhiều trường hợp sẽ không thể đạt được kết quả như hiện nay.

Trong công cuộc xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng đang diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt, báo chí cũng thể hiện sự tham gia tích cực, có hiệu quả. Báo chí là công cụ quan trọng hàng đầu trong công tác tư tưởng của Đảng.

Cùng với đó, báo chí thời gian qua đã không ngừng đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái, từ đó góp phần tạo nên sự đồng thuận tích cực trong Đảng, trong dân, tạo nên tâm trạng tích cực trong xã hội. Đây là một đóng góp rất quan trọng của báo chí Việt Nam trong tình hình mới.

Nhìn một cách tổng quát, báo chí Việt Nam đã thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước. Vai trò và những đóng góp của báo chí đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận, và được thừa nhận rộng rãi trong xã hội.

- Tình hình báo chí nước ta hiện nay có những thay đổi gì đáng chú ý so với trước đây, thưa ông?

+ Ông Mai Đức Lộc: Thay đổi đầu tiên là báo chí Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng. Hiện nay, cả nước có gần 900 cơ quan báo chí với hơn 20.000 người làm báo chuyên nghiệp. Cùng với đó là số lượng các cấp hội báo chí, hội viên Hội Nhà báo không ngừng tăng lên, đến nay cả nước có hơn 24.500 hội viên.

Thứ hai là, hệ thống các văn bản có tính pháp quy trong lĩnh vực báo chí ngày càng đầy đủ, chặt chẽ hơn. Điều này cho thấy vai trò của báo chí trong xã hội được pháp luật thừa nhận và bảo vệ tốt hơn. Hoạt động của các hội viên luôn được các cấp Hội Nhà báo bảo vệ. Trong những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời lên tiếng và có các hình thức phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, quyền hành nghề hợp pháp của hội viên.

Một thay đổi lớn đối với báo chí Việt Nam là việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, gọi tắt là quy hoạch báo chí.

Có thể nói, bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực đạt được, trong quá trình vận động thời gian qua, báo chí Việt Nam đã nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Chính vì vậy, việc quy hoạch lại báo chí là cần thiết để đảm bảo nền báo chí nước ta tiếp tục phát triển lành mạnh, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quy hoạch báo chí sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các cơ quan báo chí mà, còn tác động trực tiếp đến những người làm báo. Làm thế nào để những người làm báo chân chính, có trình độ tốt được ổn định công việc là vấn đề được Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Năm 2020, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiến hành Đại hội lần thứ XI. Đại hội này sẽ đánh giá về kết quả hoạt động của nhiệm kỳ, đồng thời thảo luận để thực hiện tốt chủ trương quan trọng này.

- Thời gian gần đây, sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội đã kéo báo chí chính thống vào một “cuộc đua thông tin”. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

+ Ông Mai Đức Lộc: Mạng xã hội phát triển rất mạnh và cạnh tranh với báo chí là một thực tế hiện nay. Các cơ quan báo chí cũng như bất cứ người làm báo nào cũng phải tính đến tác động của mạng xã hội tới hoạt động báo chí.

Sự phát triển của mạng xã hội đem lại nhiều thuận lợi nhưng cũng tạo ra những thách thức chưa từng có cho báo chí chính thống. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí và người làm báo phải thay đổi, cải tiến, đổi mới nhanh và mạnh hơn nữa.

Thay đổi để thích nghi, từ đó tiếp tục phát triển là yêu cầu cấp thiết của báo chí hiện nay, nếu không muốn bị thua trong “cuộc chiến” với mạng xã hội.

- Vậy theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất đối với người làm báo trong giai đoạn phải thay đổi để thích nghi hiện nay?

+ Ông Mai Đức Lộc: Một thực tế đáng buồn là trong khi vị trí chính trị - xã hội của báo chí ngày càng được thừa nhận rộng rãi, thì đạo đức nghề nghiệp của một số người làm báo lại có dấu hiệu đi xuống. Những trường hợp người làm báo không giữ được sự trong sáng, khách quan, có biểu hiện tiêu cực rất tiếc không còn là hiện tượng cá biệt nữa.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, đạo đức báo chí chưa khi nào cần thiết như lúc này. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng nhất đối với người làm báo trong giai đoạn hiện nay. Chỉ khi giữ được đạo đức, những người làm báo mới có trách nhiệm, thái độ tích cực và sự chuẩn mực trong nghề nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc trả lời phỏng vấn Báo Nhân đạo và Đời sống. Ảnh: Đức Long.

Báo chí hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống

- Bên cạnh việc phản ánh, đấu tranh với cái xấu, tiêu cực, báo chí còn có nhiệm vụ phát hiện, cổ vũ, lan truyền những điều tốt đẹp. Ông đánh giá thế nào về hàm lượng thông tin về cái xấu – cái tốt trên báo chí hiện nay?

+ Ông Mai Đức Lộc: Có thể dễ dàng nhận thấy trên các trang báo hiện nay, nhất là loại hình báo điện tử, số lượng thông tin phản ánh về cái xấu, về những điều tiêu cực nhiều hơn hẳn thông tin về những điều tốt đẹp. Tin xấu áp đảo tin tốt là một thực trạng đáng suy ngẫm.

Việc nhiều tờ báo vì chạy theo thị hiếu một bộ phận độc giả mà đăng tải chủ yếu các thông tin giật gân, vô bổ thì thật đáng lo ngại. Điều này tạo nên một không khí u ám về xã hội toàn màu xám trên các trang báo, trong khi thực tế xã hội còn rất nhiều điều tốt đẹp.

Theo tôi, thông tin về những mặt tích cực của cuộc sống vẫn được rất nhiều độc giả quan tâm, đón nhận. Vấn đề còn lại là các cơ quan báo chí có chủ trương hướng tới những giá trị tốt đẹp này hay không, và cách thể hiện những nội dung này có đủ hấp dẫn để thu hút được độc giả hay không mà thôi.

- Hướng tới những giá trị tốt đẹp, nhiều tờ báo hiện nay đã đồng hành với các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Quan điểm của ông như thế nào về hoạt động này của báo chí?

+ Ông Mai Đức Lộc: Chưa có số liệu thống kê tuyệt đối nhưng từ số liệu của các cơ quan báo chí trên cả nước, tôi cho rằng việc đồng hành với các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ các đối tượng yếu thế trong xã hội đã được báo chí làm rất tốt thời gian qua.

Nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa thiết thực như hiến máu tình nguyện, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, Tết vì người nghèo… nhờ báo chí, đã được lan tỏa, trở thành phong trào thường xuyên được xã hội đón nhận, ủng hộ.

Cùng với việc giúp vận động được rất nhiều tiền của, nguồn lực cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện, báo chí còn làm được điều có giá trị hơn là góp phần nuôi dưỡng, xây dựng một xã hội luôn quan tâm, yêu thương và giúp đỡ những người nghèo khổ, khó khăn, bất hạnh hơn mình.

Nhiều hoàn cảnh, số phận, cuộc đời đã được thay đổi tốt đẹp hơn nhờ những hoạt động từ thiện do báo chí đồng hành.

Báo chí thực sự có vai trò không thể thay thế được trong việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Tôi trân trọng và đánh giá rất cao Báo Nhân đạo và Đời sống đã luôn đi đầu và có đóng góp thiết thực, hiệu quả trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện suốt thời gian qua. Báo có tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, phong cách thể hiện nhân văn, hướng tới trái tim độc giả để khơi dậy lòng trắc ẩn, tình yêu thương trong cộng đồng, xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Duy Minh (thực hiện)

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/thoi-su/bao-chi-gop-phan-nuoi-duong-va-xay-dung-mot-xa-hoi-day-tinh-yeu-thuong-21964