Báo chí truyền thông Luật hình sự 2015: Cần chủ động và tích cực

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiêụlực từ ngày 1/1/2018. Theo đó, doanh nghiệp (DN), đối tượng có hành vi cố ý trốnđóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chongười lao động sẽ bị xử lý hình sự.

Hội thảo khoa học truyền thông về chính sách BHXH và BHYT thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả được tổ chức tại Hà Nội, ngày 17/4/2018. Ảnh: TL

Để doanh nghiệp và người sử dụng lao động hiểu đúng, hiểu rõ Bộ luật quan trọng này, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí truyền thông.

Giải mã những điểm mới

Hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trong thời gian qua làm thất thoát và ảnh hưởng đến việc cân đối các quỹ bảo hiểm. Những hành vi này có thể do cá nhân hoặc một nhóm người thực hiện, nhằm chiếm đoạt tiền quỹ BHXH, BHYT. Việc hình sự hóa các hành vi vi phạm góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật BHXH, BHYT, BHTN của doanh nghiệp cũng như người sử dụng lao động.

Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, đánh dấu bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân...

Bộ luật Hình sự 2015 gồm 26 chương, 426 điều, đặc biệt trong đó, lần đầu tiên quy định hình sự hóa đối với các hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN thay vì chỉ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như thời gian qua.

Điều này thể hiện bước phát triển mới nhằm bảo vệ tối ưu hơn nữa quyền lợi an sinh thiết thân của người lao động, hướng tới việc bảo đảm quyền an sinh xã hội của mọi công dân.

Người lao động có quyền khởi kiện nếu doanh nghiệp có hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh: TL

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, mối quan hệ giữa báo chí và BHXH Việt Nam vẫn còn nhiều “khoảng trống”. Có không ít bài báo đưa thông tin sai sự thật, thông tin chủ quan, thiếu sự xem xét toàn diện, khách quan, vô hình trung gây thiệt hại lớn cho người lao động, phương hại uy tín của các đơn vị trong ngành bảo hiểm.

Đây là hệ quả của lối làm báo chụp giật, thiếu trách nhiệm, thậm chí xuất phát từ động cơ không trong sáng của một số phóng viên, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đưa tin trung thực về các hoạt động an sinh xã hội nói chung, tạo nên hiệu ứng không tốt trong công chúng, gây ra cái nhìn thiên lệch đối với các hoạt động mở rộng diện bao phủ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa báo chí và Bảo hiểm Xã hội.

Đặc biệt, một số phóng viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp trong lĩnh vực này, thiếu hụt những kiến thức chuyên ngành, hoặc nhầm lẫn trong việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn về BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến những sai sót không đáng có, ảnh hưởng đến uy tín của ngành Bảo hiểm Xã hội.

Đặc biệt, sự tập trung thông tin vào một vài loại hình ngôn ngữ vô hình trung sẽ tạo nên sự mất cân bằng trong việc trao đổi, tiếp nhận các sản phẩm và dịch vụ truyền thông giữa các cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong hoạt động thông tin, truyền thông, sự thông tin khác nhau này là cần thiết để từng cơ quan báo chí có thể phát huy được tối đa khả năng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phương tiện kỹ thuật trong lao động sáng tạo. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí, nhất là các nhà báo, phóng viên phụ trách lĩnh vực này tích cực tuyên truyền sâu rộng những nội dung chính trong Bộ luật Hình sự 2015, để giảm thiểu tỷ lệ trốn đóng và nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan.

Đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) - Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam từng phát biểu trước Quốc hội về tình trạng các doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh: TL

Cần sự chủ động hơn

Thực tế cho thấy, các hình phạt đối với các hành vi phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT theo Bộ luật Hình sự là hết sức nghiêm khắc, có tính răn đe, được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện nghiêm pháp luật BHXH, BHYT nói riêng, chính sách an sinh xã hội nói chung, qua đó bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tất cả vì sự phồn vinh của xã hội.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, để các quy định này nhanh chóng được thực thi và phát huy tác dụng trong cuộc sống, công tác truyền thông về các nội dung liên quan của Bộ luật Hình sự cần được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, tránh nhàm chán, khô cứng.

Vấn đề đặt ra là, công tác truyền thông tốt sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ pháp luật cũng như những hậu quả pháp lý có thể phải gánh chịu nếu cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, từ đó có chế tài phù hợp, để đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, các cơ quan thực hiện chính sách cũng cần chủ động cung cấp thông tin, phối hợp các cơ quan bảo vệ pháp luật, kịp thời đấu tranh, xử lý theo quy định, để Bộ luật Hình sự 2015 thực sự đi vào cuộc sống, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững, hiệu quả trong tình hình mới.

NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN BIẾT:

- Người lao động có quyền khởi kiện nếu doanh nghiệp có hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho mình. Người lao động có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho công đoàn cơ sở làm người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

- Người lao động cần thường xuyên theo dõi thông tin đóng BHXH, BHYT, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; đồng thời, phối hợp công đoàn cơ sở thông tin, phản ánh đến cơ quan BHXH về hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị để có biện pháp xử lý kịp thời;

- Điều 18, Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động có quyền: “Được cấp và quản lý sổ BHXH” (khoản 2);“Định kỳ 6 tháng được chủ sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng BHXH, định kỳ hàng năm được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH, được yêu cầu chủ sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH”(khoản 7);

- Người lao động có thể tự kiểm tra, quản lý quá trình tham gia BHXH của mình bằng cách tra cứu thông qua Cổng thông tin điện tử BHXH ViệtNam.

Thành Nam

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/bao-chi-truyen-thong-luat-hinh-su-2015-can-chu-dong-va-tich-cuc-n10325.html