Bảo đảm an ninh an toàn nguồn nước

Tài nguyên nước có vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển của xã hội, kinh tế, an ninh trật tự. Tuy nhiên, an ninh tài nguyên nước đang đối mặt với nhiều thách thức, tình trạng xâm lấn, tranh chấp làm ô nhiễm, thu hẹp, suy giảm nguồn nước mặt; nguồn nước ngầm bị hạ thấp...

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tài nguyên nước của tỉnh rất phong phú, chỉ tính riêng tài nguyên nước mặt, ngoài 3 sông lớn sông Lô; sông Gâm và sông Phó Đáy còn có trên 500 sông ngòi nhỏ và trên 2.000 ao hồ, tạo thành mạng lưới thủy văn khá dày, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay an ninh, an toàn nguồn nước lại được đặt ra nguyên do: Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do xả nước thải, rác thải bừa bãi không qua xử lý vào sông, suối; quá trình khai thác khoáng sản; sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy...

Nhân viên Ban quản lý công trình cấp nước xã Ninh Lai (Sơn Dương) kiểm tra điểm thu nước đầu nguồn công trình.

Nhân viên Ban quản lý công trình cấp nước xã Ninh Lai (Sơn Dương) kiểm tra điểm thu nước đầu nguồn công trình.

Đi vào hoạt động được 3 năm, công trình cấp nước xã Ninh Lai (Sơn Dương) có giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng lại đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước phục vụ nhu cầu cho người dân. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều hộ ở khu vực đầu nguồn tự ý đấu nối, lắp đặt đường ống, gây thất thoát rất lớn nguồn nước.

Ông Ôn Văn Tám, Tổ trưởng tổ quản lý công trình buồn rầu chia sẻ, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư xây dựng. Kinh phí xây dựng gần 30 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của tỉnh, công suất khai thác là 600m3 ngày, đêm cung cấp nước sinh hoạt cho 1.800 hộ dân, doanh nghiệp và các cơ quan, trường học đóng trên địa bàn xã Ninh Lai. Tuy nhiên công trình đi vào hoạt động chưa lâu thì tình trạng tranh chấp nguồn nước diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Theo ông Tám, những đường ống với đủ kích, cỡ chủng loại có đường kính từ 10cm-40cm, thậm chí có ống, đường kính lên đến 75 cm được một số hộ ngang nhiên lắp đặt để tranh chấp nguồn nước với công trình, trong khi ngày 24-5-2019, UBND tỉnh đã cấp Giấy phép số 21/GP-UBND cho đơn vị khai thác là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn khai thác, sử dụng nước mặt tại suối Thai Hang để lấy nước phục vụ người dân, các cơ quan, trường học trên địa bàn xã. Nghiêm cấm các hành vi xâm phạm vào vùng bảo hộ của công trình 1.000 m từ phía thượng lưu và 100 m về phía hạ lưu. Tự ý lắp đặt, đấu nối đường ống dẫn nước của một số hộ dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến công suất khai thác, điều tiết, cung ứng nước của công trình. Hiện tại, công suất bơm, cung ứng nước của công trình đã giảm chỉ còn khoảng 60 - 70% so với thiết kế - Tổ trưởng Tổ quản lý công trình cấp nước xã Ninh Lai Ôn Văn Tám khẳng định.

Nhân viên Ban quản lý công trình cấp nước Nhữ Hán - Nhữ Khê (Yên Sơn) kiểm tra hệ thống ống dẫn nước.

Nhân viên Ban quản lý công trình cấp nước Nhữ Hán - Nhữ Khê (Yên Sơn) kiểm tra hệ thống ống dẫn nước.

Đầu nguồn thu nước của công trình nước sạch Nhữ Khê - Nhữ Hán cũng đang bị xâm lấn vì hành vi của một số cá nhân. Theo ban quản lý công trình cấp nước sạch Nhữ Khê - Nhữ Hán, đầu nguồn thu nước rộng khoảng vài chục mét vuông, nguồn nước rất sạch đảm bảo cho khai thác phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, tuy nhiên có một số cá nhân trong và ngoài địa phương đã biến thành bể bơi trong những ngày oi nóng. Điều này đã gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho Nhân dân trên địa bàn.

Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước Sở đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước, thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Mặt khác, Sở cũng tăng cường khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình trong quản lý nguồn nước dựa vào xu thế tự nhiên trên cơ sở dự báo dài hạn về khí hậu, thủy văn. Sở đã thực hiện lập hành lang bảo vệ 78 nguồn nước, trong đó có 67 nguồn là suối, còn lại là sông và ngòi. Cụ thể, huyện Na Hang có 5 nguồn, Lâm Bình có 13 nguồn, Chiêm Hóa có 24 nguồn, Hàm Yên 5 nguồn, Yên Sơn 18 nguồn, thành phố Tuyên Quang 3 nguồn, Sơn Dương 10 nguồn. Các nguồn nước này chủ yếu là nguồn cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, trục thoát nước cho khu tập trung dân cư tại các địa phương...

Bên cạnh nỗ lực của ngành, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp mạnh tay để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm lấn, làm thu hẹp, ô nhiễm nguồn nước. Trên thực tế, địa phương nào kiểm tra thường xuyên, quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm an toàn, an ninh nguồn nước, nguồn nước, công trình cấp nước được giữ gìn, phát huy hiệu quả và ngược lại địa phương nào thờ ơ, thiếu trách nhiệm thì việc xâm lấn công trình vẫn tồn tại, điều này không những đe dọa an toàn, an ninh nguồn nước gây mất an ninh trật tự địa phương.

Để bảo vệ tài nguyên nước các hộ gia đình, cá nhân cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước mặt, nước ngầm trong sản xuất, sinh hoạt. Có như vậy mới giữ vững được an ninh, an toàn nguồn nước đồng thời tránh được những sự cố ô nhiễm mà nhiều địa phương đang phải gánh chịu.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bao-dam-an-ninh-an-toan-nguon-nuoc-192367.html