Bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi dịp cuối năm

Thời điểm này, các địa phương tất bật chăm sóc đàn gia súc, gia cầm (GS, GC) để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, thời tiết giao mùa làm sức đề kháng của đàn vật nuôi suy giảm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Từ đầu năm 2023 đến nay, dịch bệnh GS, GC trên địa bàn tỉnh Long An cơ bản được kiểm soát tốt. Một số ổ dịch như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm GC và viêm da nổi cục vẫn xảy ra. Tuy nhiên, những ổ dịch đều nhỏ, ở diện hẹp, được phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế kịp thời nên không lây lan diện rộng. Công tác tiêm phòng cho GS, GC cũng được triển khai kịp thời, đúng tiến độ, tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc-xin đều đạt hơn 90% kế hoạch.

Bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò xuất hiện trở lại, người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết, vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra 2 loại dịch bệnh là dịch tả heo châu Phi và lở mồm long móng. Cụ thể, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 2 hộ ở ấp 3, xã Tân Ân và bệnh lở mồm long móng trên bò xảy ra ở ấp 6, xã Phước Tuy. Các ổ dịch đã được ngành Nông nghiệp huyện kiểm soát, không để lây lan diện rộng.

Theo dự báo của ngành chức năng, từ nay đến cuối năm 2023, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn GS, GC vẫn rất cao do trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, chưa được quản lý; người chăn nuôi quy mô nhỏ chưa chú trọng phòng, chống dịch bệnh; thời tiết diễn biến bất thường, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cuối năm của người dân tăng cao nên việc buôn bán, vận chuyển GS, GC cũng tăng lên, tạo điều kiện cho mầm bệnh truyền nhiễm phát sinh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh khuyến cáo: “Để hạn chế dịch bệnh GS, GC bùng phát vào dịp cuối năm, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc-xin để tạo miễn dịch cho đàn GS, GC. Cùng với đó, cần thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý mầm bệnh ở các cơ sở chăn nuôi; thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh; chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở quản lý tốt hoạt động chăn nuôi.

Đồng thời, các địa phương yêu cầu người dân thực hiện tốt “5 không” (không giấu dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường; không bán chạy, mua bán GS bệnh, nghi mắc bệnh; không sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, chưa qua xử lý nhiệt)”./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bao-dam-an-toan-cho-dan-vat-nuoi-dip-cuoi-nam-a167412.html