Bảo đảm an toàn cho trẻ em: Chung tay từ gia đình đến cộng đồng

Theo thống kê, mỗi năm cả nước có hàng trăm nghìn trẻ em đứng trước nguy cơ thiếu an toàn. Cách tốt nhất để xóa đi mối lo là người thân, người chăm sóc luôn quan tâm đến trẻ em từ những việc nhỏ, bằng sự chung tay từ gia đình tới cộng đồng. Với quan điểm này, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng môi trường sống an toàn cho các em, để thế hệ tương lai có cơ hội phát triển toàn diện.

Với mục tiêu dành những điều tốt nhất cho trẻ em, gia đình và cộng đồng đã cùng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ nhỏ. Trong ảnh: Hoạt động ngoài trời của trẻ tại Trường Mẫu giáo số 10 (quận Ba Đình). Ảnh: Nguyễn Quang

Hiểm họa ở xung quanh

Những ngày gần đây, dư luận bàn nhiều về vụ việc bé gái hơn 2 tuổi, bị rơi ngã qua lan can từ tầng 12A tòa chung cư thuộc phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân). Cháu bé may mắn được cứu sống, sức khỏe hiện đã ổn định, nhưng đó tiếp tục là hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh và những người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc phải luôn để ý, theo sát để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Theo Sở Y tế Hà Nội, mỗi năm thành phố có khoảng 90.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có gần 700 trường hợp tử vong. Còn trên phạm vi cả nước, tai nạn xảy ra với trẻ em ở nhiều nơi với các tình huống thường gặp là ngã, rơi từ chung cư, nhà cao tầng, tai nạn giao thông, đuối nước…, khiến 370.000 trẻ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nước ta vẫn còn hơn 1 triệu trẻ em phải lao động sớm. “Trẻ em phải lao động sớm có thể làm suy giảm sức khỏe, đối mặt với nguy cơ bị bóc lột, bị bạo hành, xâm hại, tai nạn lao động…”, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Lê Hồng Loan phản ánh.

Thêm một vấn đề cần quan tâm hơn nữa, đó là số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là với trẻ em gái chưa giảm. Riêng năm 2020, cả nước phát hiện 2.008 em bị xâm hại dưới nhiều hình thức và số vụ việc tương tự chưa có dấu hiệu giảm trong đầu năm 2021. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng internet phát triển rộng khắp, được kết nối thông qua nhiều phương tiện, trẻ em dễ gặp những nguy cơ rủi ro trên môi trường mạng, như: Bị bắt nạt, xâm hại, bạo lực tinh thần, nghiện trò chơi trực tuyến…

Dưới góc độ quản lý, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam chỉ rõ, nguyên nhân khiến trẻ em gặp phải những tình huống, nguy cơ thiếu an toàn chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan, lơ là của người lớn. Cùng với đó, ở một số nơi, các bên liên quan chưa chú trọng thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em từ những việc nhỏ.

Cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội tư vấn cho một trường hợp trẻ em gặp vướng mắc trong cuộc sống.

Cùng xây dựng môi trường sống an toàn

Với mục tiêu dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, các bên liên quan đã, đang chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em từ gia đình, cộng đồng. Chẳng hạn, tại Hà Nội, các sở, ngành chức năng và các địa phương phối hợp triển khai mô hình “Thành phố an toàn”, “Làng quê an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”, “Gia đình an toàn”…; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác trẻ em các cấp. Đến nay, 573/579 xã, phường, thị trấn của Hà Nội có ban bảo vệ trẻ em. “Việc thiết lập mạng lưới bảo vệ đến cấp cơ sở giúp trẻ em được quan tâm đầy đủ, toàn diện hơn. Trong trường hợp trẻ không may gặp nạn, các cháu sẽ được can thiệp, hỗ trợ kịp thời”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương nhận định.

Đồng quan điểm nêu trên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất Nguyễn Hoàng Anh dẫn chứng, thông qua các mô hình bảo vệ trẻ em từ cơ sở, đến nay, Thạch Thất đã có một số xã đạt tiêu chí cộng đồng an toàn, như: Tiến Xuân, Phú Kim, Cẩm Yên… Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất) Nguyễn Thị Hảo, các mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng là "tấm lưới" bảo vệ các em. Tại xã Cẩm Yên, năm 2018, toàn xã xảy ra 35 trường hợp tai nạn thương tích, trong đó có ca tử vong. Đến năm 2020, số ca tai nạn thương tích giảm còn 27 trường hợp, không có ca tử vong, cơ bản không có vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Dưới góc độ phụ huynh, anh Nguyễn Văn Thanh (thôn Cẩm Bào, xã Cẩm Yên) cho rằng: “Tham gia xây dựng mô hình gia đình an toàn, chúng tôi được cơ quan chức năng trang bị kỹ năng bảo vệ trẻ em từ những việc rất nhỏ như lắp đặt rào chắn, lắp thanh bảo vệ ở cầu thang, cửa sổ, ban công; cho trẻ học bơi, dạy các em cách sử dụng mạng xã hội an toàn...”.

Cùng với những giải pháp đã triển khai, UBND thành phố Hà Nội mới ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 5-3-2021 về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025, yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Cũng như Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Ở cấp độ vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ giải pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em, phòng ngừa việc bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng. Các lực lượng chức năng tiếp tục rà soát quy định việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học, công trình xây dựng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bộ cũng khuyến khích các địa phương nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, góp phần tạo lập mạng lưới vững chắc, cùng chung tay bảo vệ trẻ em từ gia đình, cộng đồng…

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/993075/bao-dam-an-toan-cho-tre-em-chung-tay-tu-gia-dinh-den-cong-dong