Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ

Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa có Công văn đề nghị các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2022.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 7/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; Chỉ thị số 1651/CT-BNN-TCTL ngày 18/3/2022, Chỉ thị số 1652/CT-BNNTCTL ngày 18/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Công văn số 1221/UBND-KTN ngày 24/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc tăng cường công tác quản lý đê điều, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2022.

Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; bố trí và đề xuất kinh phí sửa chữa, khắc phục ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa, lũ, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Đối với các vị trí đê, kè, cống và hồ chứa xung yếu phải xây dựng phương án hộ đê, kè cống, đập (phương án tích nước hợp lý cho các hồ chứa) trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo an toàn công trình và dân cư vùng hạ du đồng thời lập phương án di dời dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi cần chủ động xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho từng đập, hồ chứa nước do đơn vị quản lý theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 22, Luật Phòng, chống thiên tai.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bố trí lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi; thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình.

Đối với hồ chứa nước Cấm Sơn phải quan trắc 4 lần một ngày và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn. Cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 2 lần/ngày khi không có mưa, lũ và 4 lần/ngày khi có mưa, lũ (trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ) lên trang điện tử thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi (địa chỉ: www.thuyloivietnam.vn).

Tổ chức vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ các hồ chứa. Nạo vét, khơi thông kênh hạ lưu các tràn xả lũ, hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ khi có mưa lớn xảy ra.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh chủ động xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho từng cống dưới đê, đập, hồ chứa nước đang trong thời gian triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp, nhất là các hồ chứa nước thuộc Dự án WB8.

Đồng thời, bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý ngay từ giờ đầu khi có sợ cố xảy ra.

TS

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/383634/bao-dam-an-toan-cong-trinh-thuy-loi-trong-mua-mua-lu.html