Bảo đảm an toàn đập hồ Bàn Cờ ở Thái Nguyên

Thời gian vừa qua, nhân dân xóm Làng Phan, xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) lo lắng nguy cơ vỡ đập hồ Bàn Cờ, nơi chứa bùn thải sau tuyển quặng của Mỏ sắt Tiến Bộ (thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên- TISCO) sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với sản xuất, đời sống.

Đập hồ Bàn Cờ được thiết kế, xây dựng bảo đảm an toàn.

Đập hồ Bàn Cờ được thiết kế, xây dựng bảo đảm an toàn.

NDĐT - Thời gian vừa qua, nhân dân xóm Làng Phan, xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) lo lắng nguy cơ vỡ đập hồ Bàn Cờ, nơi chứa bùn thải sau tuyển quặng của Mỏ sắt Tiến Bộ (thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên- TISCO) sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với sản xuất, đời sống.

Giải đáp lo lắng này, Giám đốc Mỏ sắt Tiến Bộ, Trịnh Thanh Hà khẳng định: Đập hồ Bàn Cờ là bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Hồ Bàn Cờ rộng 25 ha, nằm giữa hai dãy núi lớn. Được phép của các cơ quan có thẩm quyền, năm 2015, TISCO mời đơn vị tư vấn có chuyên môn là Công ty CP Tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng Thái Nguyên khảo sát địa hình, địa chất, thiết kế đập chính hồ Bàn Cờ và đánh giá chất lượng đất khu vực lân cận đủ điều kiện đắp đập.

Đập hồ Bàn Cờ được đắp, chân đập rộng 40m, dài 88 m, vật liệu đắp là đất đồng nhất, bảo đảm tiêu chuẩn đắp đập, quy trình đắp theo lớp, cứ 30- 40 cm lại sử dụng máy lu lèn chuyên dụng để đắp đập. Đập hồ Bàn Cờ được sử dụng chứa bùn thải sau tuyển quặng sắt từ năm 2015. Mỗi ngày Mỏ sắt Tiến Bộ thải ra hồ Bàn Cờ hơn 200 m3 nước, bùn và chất thải, trong đó có khoảng 100 m3 bùn và chất thải, nước thải sau khi lắng, trong được bơm tuần hoàn trở lại để tuyển quặng.

Trước lo lắng của nhân dân địa phương về nguy cơ vỡ đập Bàn Cờ gây hậu quả rất nghiêm trọng, Giám đốc Trịnh Thanh Hà khẳng định: “Đập hồ Bàn Cờ được thiết kế, đắp rất bài bản nên bảo đảm an toàn lâu dài. Tuy nhiên, tới đây chúng tôi sẽ đắp chân đập rộng ra thêm 100m, cao tương xứng với mái đập hiện nay để bảo đảm an toàn vĩnh cửu nên nhân dân hoàn toàn yên tâm”.

“Việc bảo đảm an toàn tuyệt đối hồ Bàn Cờ có ý nghĩa sống còn đối với chúng tôi, bởi vì nếu đập bị vỡ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, chúng tôi phải chi số tiền rất lớn để đền bù tài sản cho nhân dân, khắc phục hậu quả. Đồng thời, nếu vỡ đập, chúng tôi sẽ không hoạt động được, khi đó thiệt hại sẽ là rất lớn. Do đó, việc bảo đảm an toàn là nhiệm vụ hàng đầu của Mỏ sắt Trại Cau”- ông Hà cho biết thêm.

Hằng ngày, Mỏ sắt Tiến Bộ cử cán bộ kỹ thuật quan trắc rò rỉ thân đập, cập nhật sổ sách. Qua theo dõi, không có tình trạng thân đập bị thấm. Hằng tháng, hằng quý, Mỏ sắt Tiến Bộ đều có kế hoạch gia cố thân đập, khi có mưa lớn, nước trong đập sẽ được thoát qua hệ thống dẫn tràn để chảy xuống các hồ lắng ở phía dưới, bảo đảm nước đục không chảy ra môi trường.

Các Sở Công thương, Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra tình trạng an toàn thân đập hồ Bàn Cờ, phương án phòng, chống lụt bão, khắc phục sự cố của Mỏ sắt Tiến Bộ.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40501702-bao-dam-an-toan-dap-ho-ban-co-o-thai-nguyen.html