Bảo đảm an toàn lao động: Không thể chủ quan

Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động là một trong những yêu cầu quan trọng để mỗi cơ quan, doanh nghiệp phát triển bền vững. Công tác này đã được các đơn vị quan tâm thực hiện nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Cán bộ Phòng Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn
vệ sinh lao động tại Công ty cổ phần Prime Hào Phú (Sơn Dương).

Trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến người lao động và gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như vụ tai nạn lao động xảy ra tại Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang tháng 4-2015 làm một công nhân Nhà máy chết do bị chấn thương nặng; vụ tai nạn lao động xảy ra tại mỏ khai thác đá Lũng Mần, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) tháng 9-2015 do Doanh nghiệp Tư nhân Tiến Hải Tuyên Quang quản lý đã khiến một công nhân khoan, nổ mìn tử nạn; vụ tai nạn lao động xảy ra vào tháng 11-2016 tại khu vực nấu, tẩy rửa bột giấy thuộc Công ty cổ phần Giấy An Hòa khiến thợ cơ khí sửa chữa máy móc bị chết do ngã từ độ cao xuống...

Chị Phạm Thị Hoàn ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) từng bị tai nạn cụt ngón tay khi làm việc tại Công ty cổ phần Chè Sông Lô (Yên Sơn) chia sẻ, tai nạn xảy ra thì chính bản thân người lao động và gia đình là thiệt thòi nhất, kinh tế gia đình giảm sút. Công ty có hỗ trợ nhưng chỉ phần nào, còn lại về lâu dài cuộc sống của người lao động và gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Chị mong rằng bản thân mỗi lao động, đơn vị sử dụng lao động nâng cao ý thức chấp hành bảo đảm an toàn trong lao động, đừng để những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Vừa qua, ngày 16-3-2021, ông Phạm Văn Học, Tổ trưởng tổ Cơ khí Nhà máy Giấy Na Hang thuộc Công ty cổ phần Xây dựng tổng hợp Tuyên Quang khi đang thực hiện nhiệm vụ lắp máy tại nhà máy giấy thì bị quả lô trượt chèn khiến ông bị chấn thương vùng bụng phải đi cấp cứu. Nguyên nhân được xác định là do rủi ro, khách quan và một phần do lỗi cá nhân khi thiếu biện pháp an toàn. Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo nhà máy đã đưa ông Học đi cấp cứu kịp thời. Công ty cũng đã hỗ trợ người lao động và giải quyết các chế độ đầy đủ trong thời gian người lao động nghỉ điều trị. Đồng thời, công ty đã rà soát, tăng cường các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, công nhân tuyệt đối chấp hành các quy định về an toàn lao động, tránh xảy ra tai nạn lao động đáng tiếc.

Công nhân Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 40 vụ tai nạn lao động làm 3 người chết và 37 người bị thương; từ đầu năm đến nay xảy ra 3 vụ. Các nguyên nhân được xác định là do không có thiết bị an toàn khi làm việc; vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có phương tiện bảo vệ cá nhân... Việc để xảy ra những vụ tai nạn lao động khiến người chịu thiệt thòi đầu tiên chính là người lao động và gia đình, cùng với đó hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng đến phát triển của doanh nghiệp, đơn vị.

Để triển khai hiệu quả công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cũng như triển khai Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2021 vào tháng 5 tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của an toàn vệ sinh lao động đến người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động đối với từng máy móc, thiết bị, vật tư... có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động theo đúng quy định. Từ đó nhằm phòng tránh những nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh lao động tại mỗi cơ quan, đơn vị, không để những vụ việc mất an toàn xảy ra.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/bao-dam-an-toan-lao-dong-khong-the-chu-quan-143660.html