Bảo đảm an toàn thực phẩm: Quản chặt từ sản xuất đến phân phối

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục đẩy mạnh việc kiểm tra nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún nên vẫn gặp khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, yêu cầu đặt ra là phải phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, quản chặt từ 'gốc đến ngọn'.

Phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi là yêu cầu cấp thiết đặt ra với các đơn vị liên quan.

Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún

Thời gian qua, Hà Nội đã phát triển được 138 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, nhưng việc sản xuất và tiêu thụ còn khó khăn do chưa cạnh tranh được với thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) cho biết, thôn Đông Cao có hơn 200ha trồng rau, củ, trong đó có 134ha được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi ngày người dân sản xuất hàng chục tấn nhưng chỉ bán được 3,6 tấn rau/ngày cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đặc biệt, vừa qua, có hai hộ ở thôn Đông Cao sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép và đã bị các cơ quan chức năng xử phạt theo quy định. Việc này cho thấy vẫn còn một số hộ dân chưa tuân thủ quy định về sản xuất nông nghiệp an toàn.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, sự việc nói trên ở vùng trồng rau xã Tráng Việt là lời cảnh báo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm nông sản. Hành động của hai hộ dân đã làm ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu rau an toàn Tráng Việt và sản phẩm của nông dân trồng rau đang tuân thủ nghiêm quy định về canh tác rau theo hướng an toàn.

Không chỉ gặp khó khăn trong quản lý sản xuất, khâu sơ chế, chế biến sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất nông, lâm thủy sản nhiều nhưng quy mô nhỏ lẻ, nhiều cơ sở nằm trong khu dân cư. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, trên địa bàn thành phố có 17.417 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, hơn 80% trong số đó do cấp xã, thị trấn quản lý. Trong 6 tháng qua, Chi cục đã kiểm tra đột xuất 4 cơ sở, phát hiện 1 cơ sở vi phạm trong sử dụng phụ gia thực phẩm không có trong bản tự công bố và trên nhãn sản phẩm; 3 cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Trong khi đó, theo ông Trần Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), chính quyền địa phương cũng chưa kiểm soát được các mặt hàng nông sản bán ở chợ dân sinh do xã thiếu cán bộ chuyên môn về an toàn thực phẩm, thiếu kinh phí để duy trì kiểm tra thường xuyên...

Nhận định về nguyên nhân của tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, nhưng việc triển khai gặp khó khăn do một số địa phương thực hiện việc quy hoạch vùng sản xuất chưa tốt, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Các địa phương đang tích cực xây dựng chuỗi liên kết nhưng tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp; sự kết nối thiếu bền vững. Một số địa phương chưa xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Để tháo gỡ khó khăn trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội coi việc xây dựng, nhân rộng các chuỗi sản xuất an toàn là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Việc phát triển các chuỗi không chỉ giúp thị trường nông sản vận hành tốt hơn, mà còn tác động tích cực đến các vùng sản xuất. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hành động số 26/KH-UBND ngày 7-2-2020 về bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020.

Mục tiêu đề ra là 100% cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm các cấp được tập huấn, cập nhật kiến thức; 100% thông tin phản ánh sự vụ mất an toàn thực phẩm được xác minh, xử lý. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B đạt 98%; duy trì, tăng mới 20% chuỗi thực phẩm nông nông lâm thủy sản an toàn so với năm 2019; phấn đấu 100% số chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tham gia hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc...

Để đạt mục tiêu này, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và địa phương tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm nông lâm thủy sản trên diện rộng; chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP; phát triển ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn...

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản, đặc biệt là rau, thịt, thủy sản để giám sát tập trung vào các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục; kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý triệt để những cơ sở sản xuất, kinh doanh làm trái quy định.

Mặt khác, Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế ban hành đầy đủ quy định mức giới hạn an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch giám sát có hệ thống và triển khai đồng bộ trong cả nước để các địa phương có căn cứ thực hiện. “Thành phố quan tâm kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy sơ chế, chế biến, sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường” - ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Ở góc độ địa phương, bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho rằng, để kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương để rà soát, củng cố việc xây dựng các chuỗi; mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn kết hợp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Để duy trì hiệu quả của các chuỗi, các địa phương cần tiếp tục vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại chủ động liên kết, hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Còn theo ông Đàm Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp an toàn cho người dân; đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cấp xã. Các sở, ngành tham mưu cho thành phố bố trí kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Là một trong những đơn vị trực tiếp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) kiến nghị, các sở, ngành cần giám sát chặt chẽ hàng nông sản không rõ nguồn gốc để tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Cần hỗ trợ người dân tham gia các hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như liên kết với doanh nghiệp để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Có như vậy thì mới duy trì được nền sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng bền vững.

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/970167/bao-dam-an-toan-thuc-pham-quan-chat-tu-san-xuat-den-phan-phoi