Bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học

Trước khi học sinh bước vào năm học mới, Sở Y tế TP Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Mô hình này được đánh giá là đúng thời điểm, đặc biệt ngay sau khi học sinh trở lại trường sau một thời gian dài ở nhà học trực tuyến do dịch Covid-19.

Chọn trường tiểu học để thí điểm

ATTP trong trường học luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thông tin về tình hình quản lý ATTP tại các bếp ăn trường học trên địa bàn thành phố thời gian qua, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhận định, thực phẩm an toàn đóng góp to lớn đối với việc cải thiện sức khỏe con người và chất lượng cuộc sống cũng như về lâu dài, đối với sự phát triển giống nòi của dân tộc. Tại Hà Nội, công tác quản lý ATTP đã được chú trọng, đặc biệt là các bếp ăn tập thể được kiểm soát. Tuy nhiên, trong những năm qua, vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm... Nguyên nhân chủ yếu là việc thực hiện các quy định điều kiện ATTP chưa bảo đảm, đặc biệt là nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm quận Hai Bà Trưng kiểm tra việc lưu mẫu thức ăn tại một trường học trên địa bàn. Ảnh: THU TRANG

Trước thực tế trên, Sở Y tế TP Hà Nội xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát ATTP tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đây là lần đầu tiên thành phố triển khai mô hình trên, sau đó, nếu hiệu quả thì mô hình sẽ được nhân rộng trên toàn thành phố. Với mô hình này, Sở Y tế TP Hà Nội đặt ra mục tiêu: 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết trách nhiệm bảo đảm ATTP; niêm yết công khai địa chỉ nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm tại bảng tin nhà trường; 100% người lãnh đạo quản lý, người chế biến, người kinh doanh, cô nuôi tại các trường tiểu học xây dựng mô hình được bồi dưỡng kiến thức về ATTP; 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% bếp ăn tập thể tại các trường thành lập tổ tự giám sát ATTP, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đến cuối năm học 2022-2023, nếu mô hình hoạt động tốt, hiệu quả, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ tham mưu cho UBND thành phố để nhân rộng.

Thực phẩm chất lượng, bữa ăn an toàn

Từ thực tế kiểm tra tại bếp ăn tập thể của các quận, huyện trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy, công tác quản lý ATTP bếp ăn của các đơn vị được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các sở, ban, ngành cũng như đơn vị liên quan đã tham gia giám sát chất lượng bữa ăn cho học sinh. Bà Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) cho biết, khi tham gia mô hình kiểm soát ATTP, nhà trường thường xuyên rà soát, bổ sung các trang thiết bị phục vụ công tác bán trú. Trường lựa chọn ký hợp đồng với Công ty TNHH Hương Việt Sinh để cung cấp suất ăn cho học sinh và nấu tại bếp của trường. Việc bảo đảm công tác vệ sinh là điều kiện tiên quyết mà nhà trường yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc, trong đó yêu cầu: Chế biến đúng quy trình, có thùng đựng rác với nắp đậy kín và túi nilon lót, nhân viên bếp thu dọn chất thải, rác thải để đúng nơi quy định... Nhà trường cũng ký hợp đồng với một đơn vị để bảo đảm việc vận chuyển, thu gom và xử lý rác ngay trong ngày; thành lập tổ tự giám sát... Nhờ sự kiểm soát chặt chẽ, công khai công tác vệ sinh và các điều kiện về an toàn thực phẩm nên các bữa ăn tại nhà trường luôn bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khỏe cho học sinh.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) cho rằng, việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị chế biến, bảo quản thực phẩm là rất quan trọng. Năm 2019, nhà trường đã xây mới đồng bộ hệ thống bếp ăn khang trang, hiện đại, có từng khu riêng: Sơ chế, chế biến, bảo quản thức ăn và đồ ra, kho thực phẩm, khu vực ăn uống... Hằng năm, nhà trường luôn rà soát, tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất, kịp thời bảo đảm an toàn cho học sinh và chất lượng bếp ăn tập thể...”.

Là một đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội, bà Vũ Lan Sinh, Chủ tịch Công ty THHH Hương Việt Sinh chia sẻ: “Công ty chúng tôi chủ động phần lớn nguyên liệu đầu vào và chuỗi liên kết cung cấp thực phẩm nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc giá thực phẩm tăng. Bên cạnh đó, công ty cũng ký hợp đồng với các đơn vị chăn nuôi hải sản bảo đảm bình ổn giá thực phẩm. Các đơn vị này đều là công ty cung cấp thực phẩm có uy tín, dễ truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, công ty còn đầu tư trang thiết bị máy móc, thiết bị chuyên dụng bằng inox... bảo đảm vệ sinh ATTP. Chúng tôi cũng hợp tác với các chuyên gia tư vấn để đa dạng thực đơn, bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh”.

Mong rằng với những nỗ lực kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể của các trường học, trách nhiệm của các nhà trường, của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm... sẽ mang lại những bữa ăn chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng và đặc biệt là an toàn, vì một thế hệ trẻ em khỏe mạnh.

HÀ VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-dam-an-toan-thuc-pham-tai-truong-hoc-707181