Bảo đảm bình đẳng giới giúp phụ nữ dễ kiếm việc làm, nâng cao thu nhập

Ngày 7-3, Bộ LĐ-TB&XH và Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về bình đẳng giới nhân Ngày Quốc tế phụ nữ: 'Tăng cường an sinh xã hội và các dịch vụ công nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động'.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, hiện nay, khoảng cách giới trong cả 8 lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội được quy định tại Luật Bình đẳng giới đã được rút ngắn đáng kể. Nhiều chỉ tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, đặc biệt là chỉ tiêu về kinh tế, lao động và việc làm.

Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi chính sách an sinh xã hội và các dịch vụ công chưa phản ánh đúng nhu cầu của họ. Lao động nữ chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, điều kiện lao động kém, thu nhập không ổn định, thấp hơn lao động nam. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là quấy rối tình dục đối với phụ nữ tại nơi làm việc vẫn tiếp tục diễn ra…

Tọa đàm về các chính sách nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động. Ảnh: Phương Thảo

Tọa đàm về các chính sách nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động. Ảnh: Phương Thảo

Đáng quan tâm, mục tiêu phát triển an sinh xã hội của Việt Nam giai đoạn 2012-2020 là chính sách an sinh xã hội bao phủ toàn dân. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ di cư đang tăng dần, đa số làm việc trong các khu vực phi chính thức, và việc quấy rối tình dục nơi làm việc, nơi công cộng đặc biệt phổ biến và nghiêm trọng hơn với nữ lao động di cư.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women cho biết, tại Việt Nam có 75% lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, không có an sinh xã hội; 60% tổng số lao động nữ, so với 32% nam giới trong các công việc dễ bị tổn thương; thời gian phụ nữ dành để làm các công việc chăm sóc không được trả lương là 5 giờ/ngày, nhiều hơn nam giới 2 giờ; hơn một nửa phụ nữ ở nông thôn không được tiếp cận nước sạch; 50 tiếng/tháng là thời gian phụ nữ có con dưới 6 tuổi phải dành thời gian chăm con…

Từ thực tế này, bà Elisa Fernandez khuyến cáo, Việt Nam cần cải cách hệ thống an sinh xã hội để tăng diện bao phủ an sinh xã hội cho lao động trong khu vực phi chính thức. Đồng thời, tạo ra ngành chăm sóc xã hội để tạo việc làm và các công việc tốt cho phụ nữ; đảm bảo dịch vụ công chất lượng và giá cả phải chăng, ngay cả trong trường hợp do khối tư nhân cung cấp.

Bên cạnh đó, tăng cường thu thập, phân tích số liệu theo giới, tuổi, thu nhập, bạo lực với phụ nữ… và sử dụng các số liệu này vào xây dựng các chính sách an sinh xã hội, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng.

TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội phân tích, một số quy định về bảo vệ người lao động chưa được nhận thức đầy đủ, đúng đắn, quy định tuổi nghỉ hưu chưa bảo đảm bình đẳng giới. Hiện, tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo luôn ở mức thấp, và thấp hơn so với lao động nam (năm 2018 là 26,99%), nữ cũng chiếm tỷ trọng cao hơn trong những ngành nghề không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật và chiếm tỷ lệ thấp trong những nghề có vị thế cao như lao động quản lý.

Ông Vinh cho rằng, cần đảm bảo lồng ghép giới đầy đủ và hiệu quả vào luật pháp, chính sách về thị trường lao động ở Việt Nam; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, người sử dụng lao động và người lao động về tuân thủ pháp luật, nâng cao chất lượng công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lao động, việc làm, đảm bảo nghiêm minh và răn đe.
Giới thiệu dự án “Tăng cường tiếng nói của phụ nữ nhằm chấm dứt quấy rối tình dục” tại 40 nhà máy ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanma, đại diện Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết, các hành vi quấy rối tình dục phổ biến tại các nhà máy may ở Việt Nam là: phán xét về bề ngoài, nhìn chằm chằm, huýt sáo, bình luận thô lỗ, trêu chọc một cách không phù hợp. Điều này đã làm giảm năng suất lao động, gây thiệt hại về kinh tế.

Trong Bộ luật Lao động hiện hành đã có một số quy định như nghiêm cấm người sử dụng lao động ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc; người lao động bị quấy rối tình dục có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; nghiêm cấm người sử dụng lao động giúp việc gia đình ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động…

Tuy nhiên, còn có khoảng trống về luật pháp vì thiếu định nghĩa về quấy rối tình dục, thiếu các quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo với hành vi quấy rối tình dục.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, các thông tin chia sẻ và khuyến nghị nêu trên sẽ đóng góp vào báo cáo của Việt Nam tại khóa họp lần thứ 63 của Ủy ban Địa vị phụ nữ được Liên hợp quốc tổ chức vào trung tuần tháng 3 tại New York, Mỹ.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-dam-binh-dang-gioi-giup-phu-nu-de-kiem-viec-lam-nang-cao-thu-nhap-139430.html