Bảo đảm cao nhất lợi ích của Nhà nước khi cổ phần hóa

Ngày 28-5, tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.

DNNN tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng

Đa số các đại biểu Quốc hội đều khẳng định, quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và CPH DNNN là một chủ trương lớn, quan trọng, được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng. Trong thời gian qua, hoạt động của các DNNN mặc dù vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, nhưng không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của khối DN này. DNNN tiếp tục là động lực quan trọng trong phát triển đất nước, góp phần quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới quốc phòng, an ninh, những nhiệm vụ mà các DN ngoài Nhà nước không thể làm hoặc không muốn làm.

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và CPH DNNN giai đoạn 2011-2016 cho thấy, tính tới cuối năm 2016, cả nước còn 583 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 273 DN cổ phần có vốn Nhà nước. Tổng tài sản tại DN mà Nhà nước giữ 100% vốn là hơn 3,05 triệu tỷ đồng (tăng 45,8% so với năm 2011), trong đó tổng vốn Nhà nước chủ sở hữu là gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 92,2% so với năm 2011. Hầu hết các DN đều có lãi và số lãi tăng; có những tập đoàn tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Mía đường... Hiệu suất sinh lợi trên doanh thu của DNNN năm 2015 đạt 5,6%, gần bằng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (5,8%) và cao hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Báo cáo giám sát cũng cho biết, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN có vốn Nhà nước có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Tổng tài sản của các DN có vốn Nhà nước năm 2016 là 495.126 tỷ đồng, tăng 3,8 lần so với năm 2011; tổng vốn chủ sở hữu là 167.701 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 3 lần so với năm 2011; tổng doanh thu đạt 423.250 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2011. Tỷ suất lợi nhuận kế toán trước thuế/tổng tài sản bình quân năm 2016 đạt 6% và bình quân cả giai đoạn 2011-2016 đạt 5%.

Nhấn mạnh vai trò của DNNN, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) phân tích, mục tiêu đầu tư kinh doanh của các DNNN và mục tiêu CPH DNNN cần bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng-an ninh, những lĩnh vực mà các DN thuộc thành phần kinh tế khác không đầu tư. Vì vậy, để duy trì được vị trí then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước thì các DNNN cần một lượng vốn nhất định. Vì vậy, tiền thu từ thoái vốn và CPH cần tính toán để duy trì và phát triển các DNNN theo đúng chủ trương của Đảng.

Thất thoát tài sản Nhà nước liên quan phổ biến đến đất đai

Về CPH DNNN, báo cáo giám sát cho biết, giai đoạn 2011-2016 cả nước đã CPH 571 DN, bộ phận DN. Công tác CPH đã đạt được những kết quả tích cực. Hoạt động của DN sau CPH công khai, minh bạch, rõ ràng hơn, kết quả hoạt động của DN sau CPH được cải thiện đáng kể, nộp NSNN tăng. Tổng hợp kết quả hoạt động của 350 DN sau CPH năm 2015 cho thấy so với năm trước khi CPH, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp NSNN tăng 27%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát nhấn mạnh, tồn tại chủ yếu của DNNN trong CPH là sai phạm trong xác định sai lệch giá trị DN nhằm trục lợi. Khi xác định giá trị DN để CPH còn có trường hợp DN không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Sau CPH, DN không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm.

Chỉ ra nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước qua CPH do việc định giá giá trị DN thấp hơn giá trị thực tế, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) nêu rõ, nhiều giá trị tài sản như thương hiệu DN, lợi thế thị trường, lợi thế độc quyền, giá trị đất đai ở một số vị trí đắc địa… không được đánh giá đúng. Nhiều DN bị bán với giá bèo bọt. Có một thực trạng là tài sản Nhà nước mua vào thì luôn bị định giá cao lên, còn tài sản Nhà nước bán ra luôn có xu hướng bị định giá thấp đi. Bổ sung vào ý kiến này, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), việc thất thoát tài sản Nhà nước hiện nay có liên quan phổ biến đến đất đai. Ở đây, ngoài trách nhiệm thuộc về các tổ chức thực hiện CPH thì còn có trách nhiệm của UBND các tỉnh trong việc xác định giá đất theo Luật Đất đai.

Quản lý chặt quỹ đất khi CPH

Giải trình trước Quốc hội về một số nội dung liên quan đến định giá đất, quản lý, sử dụng đất đai trong quá trình CPH DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, trước đây do hạn chế trong các quy định của pháp luật về đất đai, nên trong quá trình tiến hành rà soát quỹ đất, sử dụng đất để CPH DNNN chưa có sự đánh giá về giá trị đất đai, dẫn đến khi tính toán giá trị DN, không tính toán được giá trị đất để tiến hành CPH.

Để khắc phục hạn chế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, qua đó việc quản lý đất đai trong quá trình CPH DNNN được thực hiện chặt chẽ hơn. Trong đó, quy định cụ thể phương án sử dụng đất khi CPH DNNN trước khi CPH; việc xác định giá đất khi CPH phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy định của địa phương, công bố công khai, minh bạch.

Giải trình một số vấn đề liên quan đến việc quản lý phần vốn của Nhà nước đối với một số DN thuộc chức năng quản lý của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong quy định của pháp luật hiện hành, việc quản lý phần vốn của Nhà nước còn nhiều chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật; sự chồng chéo giữa chức năng quản lý Nhà nước với quản trị DN; dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", chất lượng đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, thua lỗ, mất mát vốn, lãng phí, thậm chí sai phạm. "Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các quy phạm pháp luật về quản lý vốn, CPH DNNN; việc CPH, thoái vốn Nhà nước cần làm rõ các nguyên tắc cơ bản để khai thác, sử dụng tốt nguồn vốn đang đầu tư hiệu quả; phân định rạch ròi giữa quản lý Nhà nước với quản trị DN; nội luật hóa các cam kết quốc tế"-Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Sáng 28-5, trao đổi với báo chí, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 4-6 tới ngày 6-6. Theo đó, 4 nhóm vấn đề đã được Quốc hội lựa chọn để chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này thuộc lĩnh vực: Giao thông vận tải; tài nguyên môi trường; giáo dục, đào tạo và lao động, việc làm. Ngoài 4 bộ trưởng (Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Lao động-Thương binh và Xã hội) trả lời chất vấn, tại mỗi nhóm vấn đề, một số phó thủ tướng và bộ trưởng các bộ liên quan sẽ cùng trả lời, làm rõ các vấn đề được đại biểu chất vấn.

NAM TRỰC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bao-dam-cao-nhat-loi-ich-cua-nha-nuoc-khi-co-phan-hoa-540047