Bảo đảm công lý trong giai đoạn chuyển tiếp sau xung đột

Ngày 13/2, dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Bỉ, Chủ tịch luân phiên tháng 2/2020, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức Thảo luận mở với chủ đề 'Công lý trong giai đoạn chuyển tiếp: Một cấu phần quan trọng trong xây dựng nền hòa bình bền vững'.

Toàn cảnh phiên Thảo luận mở với chủ đề “Công lý trong giai đoạn chuyển tiếp: Một cấu phần quan trọng trong xây dựng nền hòa bình bền vững”. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)

Tham gia phiên Thảo luận mở có 5 Bộ trưởng, Thứ trưởng, Đại sứ của hơn 60 nước thành viên LHQ. Bà Michelle Bachelet - Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc, ông Francisco de Roux - Chủ tịch Ủy ban làm rõ sự thật, cùng chung sống và không tái phạm của Colombia và bà Yasmin Sooka - đại diện phi chính phủ đã báo cáo tại Thảo luận mở.

Tại phiên Thảo luận, bà Bachelet cho rằng, hòa bình bền vững và công lý, phát triển và tôn trọng các quyền con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; các tiến trình công lý trong giai đoạn chuyển tiếp muốn thành công đều phải được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia, do quốc gia làm chủ và hướng vào nguyện vọng của nạn nhân, tạo điều kiện cho nạn nhân được nói lên sự thật, xây dựng lòng tin của nạn nhân, người dân và của các bên xung đột trước đây, khắc phục nạn phân biệt đối xử và sự yếu kém của các thể chế; công lý trong giai đoạn chuyển tiếp không thể thay thế cho tư pháp hình sự, song tư pháp hình sự cần được bổ trợ bởi các biện pháp tìm kiếm sự thật, bồi thường, bảo đảm không tái diễn vi phạm; dẫn ví dụ thành công tại một số nước như Guatemala, Congo.

Ông Francisco de Roux chia sẻ kinh nghiệm của Colombia trong sử dụng công lý chuyển tiếp xây dựng hòa bình sau 50 năm nội chiến tại nước này với 9 triệu nạn nhân; nhấn mạnh tìm kiếm sự thật là con đường dẫn đến hòa bình; cần xác định trách nhiệm và yêu cầu những người liên quan phải thừa nhận trách nhiệm, nhưng trong quá trình tìm kiếm sự thật, tránh gây ra thù ghét giữa các phe phái, Chính phủ cần thể hiện quyết tâm chính trị, nỗ lực hòa nhập các bên tham chiến trước đây.

Bà Sooka cũng chia sẻ kinh nghiệm các tiến trình công lý trong giai đoạn chuyển tiếp của các nước châu Phi, theo đó cho thấy cần tập trung vào bảo đảm các quyền kinh tế - xã hội của các nạn nhân, chứ không chỉ các quyền chính trị - dân sự, như cung cấp tài chính để các nạn nhân nữ được đi học; những tiến trình đó có thể diễn ra trong nhiều thập kỷ; kêu gọi LHQ cung cấp hỗ trợ thiết yếu cho các nước.

Phát biểu của các thành viên Hội đồng Bảo an và các nước đều cho rằng, có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau giữa công lý và hòa bình; các tiến trình công lý trong giai đoạn chuyển tiếp cần do người dân làm chủ, không thể áp đặt một mô hình chung hoặc mô hình của nước này lên nước khác; cần có cách tiếp cận toàn diện theo chiều ngang, trong đó cách hiệu quả nhất để bảo đảm công lý là ngăn ngừa xung đột bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ như bất bình đẳng xã hội; cần bảo đảm phụ nữ tham gia đầy đủ vào tiến trình, tính đến nhu cầu của trẻ em, thanh niên, có sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ.

Nhiều nước chia sẻ kinh nghiệm vận dụng các phương thức khác nhau của công lý trong giai đoạn chuyển tiếp tại quốc gia mình; khuyến nghị HĐBA cần tăng cường phối hợp và tranh thủ vai trò tư vấn của Ủy ban Xây dựng hòa bình (PBC), tăng cường phối hợp với các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi (AU), hỗ trợ các quốc gia thành viên tăng cường năng lực, nhất là năng lực tư pháp. Bên cạnh ủng hộ các cơ chế bảo đảm trách nhiệm đối với các tội ác nghiêm trọng gây ra trong quá khứ, các nước cũng khẳng định cần áp dụng linh hoạt và áp dụng các biện pháp hòa giải dân tộc, đáp ứng các yêu cầu của nạn nhân được lên tiếng và được bồi thường.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết, mục tiêu cuối cùng của công lý chuyển tiếp là hòa hợp dân tộc và phát triển bền vững, do đó cần phải tính đến lợi ích lâu dài của đất nước, dân tộc, xóa bỏ các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột; tiến trình công lý trong giai đoạn chuyển tiếp phải bắt nguồn từ người dân và do người dân làm chủ, có sự tham gia của tất cả người dân, bao gồm cả phụ nữ, thanh niên, trẻ em và các nhóm người dễ bị tổn thương; không thể áp đặt một mô hình bất kỳ hoặc sao chép từ một quốc gia khác; cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ tăng cường năng lực, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức khu vực có vai trò bổ trợ.

Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ, Viện Hòa bình và Hòa giải do ASEAN thành lập có vai trò tích cực trong tăng cường năng lực hòa giải, xây dựng hòa bình và thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em. Đại sứ bày tỏ, Việt Nam hoàn toàn hiểu, chia sẻ khó khăn mà các quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp sau xung đột gặp phải và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong thời gian nhiệm kỳ HĐBA 2020-2021 cũng như trong các cơ chế khác.

QT.

(theo Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-dam-cong-ly-trong-giai-doan-chuyen-tiep-sau-xung-dot-109516.html