Bảo đảm điều kiện đổi mới đồng bộ, toàn diện giáo dục - đào tạo

Tại cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 17.10, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ chú trọng các điều kiện cơ bản bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình...

Củng cố và duy trì chất lượng giáo dục và đào tạo

Sáng 17.10, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm 2022, dự kiến kế hoạch công tác năm 2023, việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì cuộc làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021 - 2022, cùng với cả nước, toàn ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh tới các hoạt động của ngành; củng cố và duy trì chất lượng giáo dục và đào tạo; phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bảo đảm các hoạt động giáo dục, đào tạo không bị “đứt gãy”. Với việc triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch và thực hiện kế hoạch năm học, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2021 - 2022 theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đồng thời bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ngành đã thực hiện được bình thường kế hoạch, chương trình giáo dục phổ thông, vừa phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn bảo đảm khối lượng công việc, nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông; mở cửa trường học, chuẩn bị điều kiện giảng dạy sau dịch. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học diễn ra công khai, chất lượng, công bằng.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022 - 2023 ngành có nhiều nhiệm vụ lớn, trong đó có tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mớicăn bản, toàn diệngiáo dục và đào tạo

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2022 - 2023, ngành có nhiều nhiệm vụ lớn, mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, đồng hành, ủng hộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng như các bộ, ngành liên quan. Trong đó, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mớicăn bản, toàn diệngiáo dục và đào tạo; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đây cũng là năm học trọng tâm then chốt của triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đặc biệt, Bộ đang chuẩn bị bước đầu tiên trong quy trình xây dựng Luật Nhà giáo. Đây là chủ trương lớn, vì nhà giáo là “mạch sống” của giáo dục, cần có chính sách đột phá để mang lại hiệu quả mong muốn...

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng báo cáo về thực hiện nhiệm vụ năm 2022, dự kiến kế hoạch công tác năm 2023

Tăng phân cấp phân quyền, thu hút nguồn lực cho giáo dục

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, thời gian qua, công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được Bộ chú trọng, từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn triển khai, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đồng thời cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo. Nhanh chóng hoàn thiện, ban hành Chiến lược Phát triển giáo dục giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến 2045; xây dựng và tổ chức triển khai Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Trình ban hành Nghị định của Chính phủ thay thế Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31.5.2017 quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học để bảo đảm chất lượng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn về liên thông, phân luồng; quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe, cố gắng đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho rằng, việc bảo đảm cơ sở vật chất, phòng học, giáo viên thực hiện dạy 2 buổi với giáo dục tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới tiếp tục là thách thức cho nhiều địa phương; bên cạnh đó, nhiều giáo viên còn băn khoăn về dạy tích hợp, liên môn... Bộ cần tiếp tục lắng nghe, cố gắng đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, cùng với giáo viên tháo gỡ...

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo và toàn ngành đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực vượt khó, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 theo đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu đổi mới, bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; bảo đảm tính đồng bộ với các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch của ngành, qua đó huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thích ứng với bối cảnh, yêu cầu của giai đoạn mới. Tăng cường phân cấp, phân quyền nhằm xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, bảo đảm công bằng trong tiếp cận với giáo dục và đào tạo của người dân; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó có giáo viên tiếng dạy tiếng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường; nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học...

Tin: Ng. Phương; Ảnh: Nghĩa Đức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/bao-dam-dieu-kien-doi-moi-dong-bo-toan-dien-giao-duc-dao-tao-i304034/