Bảo đảm ổn định đời sống người dân

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm ổn định, không gây xáo trộn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân; đồng thời tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những yêu cầu đó của TP Hà Nội đang được các địa phương có đơn vị hành chính trong diện sáp nhập khẩn trương thực hiện và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao.

Ngày 20-9, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND, triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2019 - 2021, nhằm tổ chức hợp lý các địa bàn, đúng với tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ; phù hợp thực tiễn, khả năng quản lý của chính quyền cơ sở. Theo kế hoạch, Hà Nội thực hiện sắp xếp đối với tám đơn vị hành chính cấp xã (gồm bốn phường, bốn xã) không đủ 50% cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH, ngày 25-5-2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Cụ thể, các phường, xã không đủ tiêu chí theo quy định phải sắp xếp, gồm: Quận Hai Bà Trưng sáp nhập phường Nguyễn Du với phường Bùi Thị Xuân và một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Ngô Thì Nhậm (từ số nhà 52 đến 214 Phố Huế). Sáp nhập phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của phường Ngô Thì Nhậm (trừ những nhà từ số 52 đến số 214 Phố Huế) với phường Phạm Ðình Hổ. Huyện Phúc Thọ sẽ sáp nhập các xã như sau: Phương Ðộ với Sen Chiểu; xã Cẩm Ðình với Xuân Phú; xã Vân Hà với Vân Nam; huyện Phú Xuyên sẽ sáp nhập hai xã Thụy Phú và Văn Nhân. Sau khi Ðề án được HÐND thành phố thông qua, UBND thành phố giao Sở Nội vụ hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ Nội vụ, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính; thời gian hoàn thành trước ngày 10-11-2019. Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, UBND thành phố báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, có kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời sắp xếp, kiện toàn, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính cấp xã mới, bảo đảm đúng tiến độ tổ chức Ðại hội Ðảng các cấp, ổn định đời sống nhân dân.

UBND thành phố yêu cầu, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm chặt chẽ, ổn định chính trị - xã hội, không gây xáo trộn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân; gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân. Trong quá trình thực hiện việc sắp xếp phải đồng thời giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, người lao động có liên quan và có lộ trình bố trí, sắp xếp đúng số lượng quy định.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, các quận, huyện có đơn vị phải sáp nhập đã tập trung triển khai. Từ tháng 9-2019, UBND quận Hai Bà Trưng đã chủ động giao Phòng Nội vụ tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức sắp xếp các đơn vị hành chính phường, lập hồ sơ dự thảo đề án, hướng dẫn phường và phối hợp các phòng chuyên môn bảo đảm thủ tục, nội dung, tiến độ xây dựng đề án... Quận cũng giao Phòng Văn hóa - Thông tin tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử, hướng dẫn phường vận động tạo thống nhất cao trong hệ thống chính trị, người dân; tổ chức hội thảo lấy ý kiến cơ quan, nhà nghiên cứu để chọn tên đơn vị hành chính mới… Bốn phường đều đã tổ chức lấy ý kiến cử tri theo tổ dân phố rồi tổng hợp kết quả, cung cấp đủ số liệu liên quan, hoàn chỉnh hồ sơ lấy ý kiến, báo cáo UBND quận. Trên cơ sở đó, HÐND các phường họp thông qua nghị quyết về phương án sắp xếp trình HÐND, UBND quận để báo cáo thành phố. Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, về lâu dài, tên phường theo địa danh sẽ bảo đảm tính bền vững, ít tác động tâm tư, tạo sự đồng thuận trong dân. Nhưng dù tên gì, các hộ cũng phải thay đổi giấy tờ hành chính, cho nên quan trọng nhất là chất lượng phục vụ của cán bộ công chức, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

Tại huyện Phú Xuyên, Trưởng phòng Nội vụ huyện Lê Thanh Hải cho biết, chủ trương sáp nhập một số xã đã được huyện, xã tuyên truyền đến người dân và cơ bản nhận được sự đồng thuận. Việc đặt tên xã mới cũng sẽ không gặp trở ngại bởi trước đây hai xã Thụy Phú, Văn Nhân được tách ra từ xã Nam Tiến, cho nên xã mới sẽ lấy lại tên đó. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu ở việc bố trí trụ sở cơ quan xã và sắp xếp bộ máy, tổ chức cán bộ sau sáp nhập. Huyện đang rà soát cán bộ, công chức của hai xã, trong đó sẽ điều động số công chức thừa sau khi sắp xếp sang làm việc ở xã đang thiếu. Khó khăn nhất là sắp xếp cán bộ chuyên trách và không chuyên trách, cơ cấu cấp ủy và đại biểu HÐND xã, bởi sẽ có dôi dư, cho nên cần lộ trình chứ không thể ngày một, ngày hai.

Huyện cũng đề nghị các cấp, ngành tạo điều kiện tối đa cho các cán bộ dôi dư được giữ nguyên chế độ trong thời gian chờ sắp xếp bộ máy. Ðồng thời, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi cho người dân khi giải quyết thủ tục liên quan đến thay đổi chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú... do đổi tên xã, tên tổ chức đảng đang sinh hoạt để tránh gây xáo trộn đến đời sống nhân dân trên địa bàn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42164702-bao-dam-on-dinh-doi-song-nguoi-dan.html