Bảo đảm quyền được bảo vệ của trẻ em khỏi các hình thức phân biệt đối xử

Đây là nội dung đối thoại do Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức chiều 7-11, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc đối thoại, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD cho biết: Nghiên cứu về nhận thức của trẻ em về sự phân biệt đối xử tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do MSD thực hiện năm 2018 chỉ ra rằng, môi trường thiếu tin cậy, chia sẻ và hỗ trợ trẻ ở cả trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội theo mô tả của trẻ chính là những yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình phân biệt đối xử với trẻ. Trên thực tế, cha mẹ, thầy cô, cộng đồng vẫn thường vô tình thực hiện các hành vi phân biệt đối xử với trẻ, đặc biệt là về giới tính, tình trạng khuyết tật, năng lực, hoàn cảnh gia đình.

Toàn cảnh đối thoại.

Đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, Luật Trẻ em năm 2016 (khoản 8, điều 6) nghiêm cấm hành vi “Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em”.

Ngoài mục đích nâng cao nhận thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, phóng viên, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em và trẻ em về quyền được bảo vệ khỏi các hình thức phân biệt đối xử của trẻ em, cuộc đối thoại cũng hướng tới việc đề xuất và trao đổi các sáng kiến, giải pháp xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em. Đây cũng là cơ hội để trẻ em, các tổ chức xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng phát huy vai trò truyền thông và giáo dục cộng đồng trong việc thúc đẩy và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về quyền trẻ em.

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/bao-dam-quyen-duoc-bao-ve-cua-tre-em-khoi-cac-hinh-thuc-phan-biet-doi-xu-553870