Bảo đảm quyền lợi của người có BHYT khi chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến

(PL&XH)-Ngày 4-3, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với sự tham gia của đại diện các sở, ban,ngành,quận, huyện và các BV trên địa bàn TP.

BHYT khi trẻ vào lớp 1

Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hòa, PGĐ BHXH TP Hà Nội, trên thực tế không phải cứ đủ thời gian 72 tháng là trẻ đều đã vào học lớp 1. Nhiều trường hợp các cháu sinh đầu năm thì đến tháng 1, thẻ BHYT dưới 6 tuổi hết hạn phải chờ đến tháng 9 cháu đi học mới mua thẻ BHYT học sinh. Như vậy trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm đó, trẻ bị “trống” BHYT và nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật trong giai đoạn này sẽ không được BHYT bảo vệ. Trường hợp khác, các cháu sinh vào cuối năm thì lại có những tháng bị “trùng” 2 thẻ, thẻ BHYT dưới 6 tuổi và thẻ BHYT. Do đó, “để việc tham gia BHYT của thẻ được liên tục, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các cháu nên phát hành giá trị của thẻ đến ngày đầu tiên của của năm học mới” – ông Hòa đề nghị.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hiền Phương, giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội đề xuất, bên cạnh việc kéo dài thời gian tham gia BHYT của trẻ dưới 6 tuổi đến đầu năm học cần hướng dẫn cụ thể trong các trường hợp trẻ theo học trường công lập, trường ngoài công lập, trường quốc tế vì mốc bắt đầu năm học mới của hệ thống các trường có thể không giống nhau.

Tâm lý người bệnh thường muốn vượt tuyến để được điều trị ở cơ sở có chất lượng cao. Ảnh: TL

Quy định “một chiều” để tránh trái tuyến, vượt tuyến?

Đã được bàn thảo nhiều, nhưng xung quanh câu chuyện về thanh toán khám chữa bệnh BHYT đối với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật vẫn khiến nhiều đại biểu “băn khoăn”. Hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 22 của Dự thảo Luật, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật được quỹ BHYT thanh toán: “ 30% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại BV tuyến Trung ương, 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại BV tuyến tỉnh; 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại BV tuyến huyện trong phạm vi quyền lợi khi khám bệnh, chữa bệnh nội trú…”. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, quy định như vậy “vô hình trung đã đẩy gánh nặng chi phí về phía người bệnh, khiến người bệnh thiệt thòi. Bởi nhiều trường hợp bệnh nhân khi vượt tuyến lên BV tuyến Trung ương phát hiện mắc bệnh rất nặng, chi phí điều trị lớn nhưng lại chỉ được BHYT thanh toán 30% thì không biết làm cách nào để lo liệu”. Tuy nhiên, đại diện cơ quan BHXH của Hà Nội cũng thừa nhận, nếu không đặt ra quy định như vậy, “sẽ không đảm bảo đầy đủ lợi ích cho những trường hợp bệnh nhân đi đúng tuyến. Đồng thời gây “quá tải” cho các BV tuyến trên”.

Liên quan đến quy định tại khoản 4, Điều 22 Dự thảo Luật “người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại BVĐK tuyến huyện trên cùng địa bàn huyện hoặc BVĐK khu vực nơi không có BVĐK huyện; người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại BVĐK huyện hoặc BVĐK khu vực nơi không có BVĐK huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã trên cùng địa bàn huyện không coi là trái tuyến, vượt tuyến”, đại diện BHXH Hà Nội cho rằng: “Quy định như vậy tốt cho người dân nhưng lại rất khó cho công tác quản lý vì có thể BV huyện sẽ không quản lý được người bệnh đi khám ở các cơ sở nào của huyện. Thực tế có thể xảy ra trường hợp một người ngày đi khám 2, 3 lần. Lúc khám ở xã này, lúc khám ở xã khác”. Còn theo bà Đào Thị Chinh, Trung tâm Y tế quận Long Biên, quy định này sẽ “khuyến khích” người bệnh lên tuyến trên. Bà Chinh đề xuất “chỉ nên quy định “một chiều” đăng ký khám chữa bệnh ở tuyến huyện thì được quyền khám ở tuyến xã”.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh phải tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật như: Trình độ chuyên môn kỹ thuật của cán bộ y tế, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của tuyến dưới còn hạn chế, trong khi người bệnh muốn được khám chữa bệnh với chất lượng tốt, nhanh khỏi bệnh. Đây là nguyện vọng chính đáng và việc quy định như thế nào để hài hòa quyền lợi giữa các bên cần căn cứ từ thực tiễn và có sự nghiên cứu thấu đáo.

Ông Đỗ Minh Sơn, Trưởng phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp Hà Nội nhận định: “Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có 12 trang thì có đến 12 nội dung giao cho Chính phủ và các Bộ liên quan hướng dẫn thi hành. Giả sử Dự thảo Luật này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới thì phải chờ đến bao giờ các quy định của Luật mới thực thi được trên thực tế. Trong bối cảnh tình trạng “nợ văn bản hướng dẫn” đang diễn ra trầm kha như hiện nay việc xây dựng Dự án Luật cần quan tâm đến điều này để quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống”.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20140305092531695p1001c1051/bao-dam-quyen-loi-cua-nguoi-co-bhyt-khi-chua-benh-vuot-tuyen-trai-tuyen.htm