Bảo đảm quyền lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu

Việc đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã được quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT. Theo đó, người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở theo quy định, trên nguyên tắc không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB.

Thông thường, cơ quan bảo hiểm xã hội và đơn vị lập danh sách tham gia BHYT sẽ công khai danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện KCB ban đầu để người tham gia BHYT lựa chọn. Tuy vậy, hiện việc thực hiện quy định này đang có những bất cập trong quá trình người tham gia BHYT chuyển trường học, đơn vị công tác, gây khó khăn cho họ.

Chẳng hạn nhiều học sinh chuyển cấp bị thay đổi nơi đã đăng ký KCB ban đầu. Một phụ huynh có con học tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, năm 2018, con chị chuyển từ lớp 5 lên lớp 6 đã bị nhà trường thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu từ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn về một phòng khám tại quận Cầu Giấy. Hiện nay, nhiều trường học bắt đầu triển khai các thủ tục cho học sinh tham gia BHYT năm 2020, trong đó, tình trạng thay đổi nơi KCB ban đầu lại xảy ra đối với học sinh chuyển cấp. Một phụ huynh cho biết, chị không thể đăng ký lại bệnh viện là nơi con mình đã đăng ký những năm học trước do thông báo bệnh viện hết chỗ. Hệ quả là phụ huynh phải chọn KCB ban đầu tại cơ sở y tế khác gây bất tiện do xa nơi ở, nơi học tập, hoặc điều kiện KCB không bằng nơi cũ. Tình trạng tương tự xảy ra đối với học sinh chuyển lên đại học. Một sinh viên Trường đại học Lao động - Xã hội cho biết, những năm còn là học sinh, em đã đăng ký tại bệnh viện gần nhà. Thế nhưng, khi vào đại học, trường tự ý đổi sang một phòng khám ở phường Phú Lương, Hà Ðông (Hà Nội) cách xa nơi ở và nơi học.

Một số trường hợp chuyển từ diện BHYT hộ gia đình sang nơi làm việc cũng lo lắng việc bị thay đổi nơi đăng ký. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị H. tham gia BHYT theo diện hộ gia đình với nơi đăng ký KCB ban đầu là Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải. Thời gian tới, chị có thể không tiếp tục được đăng ký tại bệnh viện này do danh sách cơ sở y tế mà công ty thông báo không có tên bệnh viện. Ðể không bị thay đổi nơi KCB ban đầu, chị H. sẽ "lách luật" bằng cách không tham gia BHYT tại cơ quan, tiếp tục tham gia BHYT diện hộ gia đình, dù biết như thế là sai.

Về nguyên tắc, số người tham gia BHYT đã được chấp nhận cho đăng ký KCB ban đầu tại một cơ sở y tế thì cơ sở y tế đó phải bảo đảm các điều kiện để đáp ứng nhu cầu KCB của những đối tượng đó, coi họ là khách hàng thường xuyên và không thể bị gạt ra. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ người tham gia BHYT bị thay đổi nơi KCB ban đầu là do trường học, đơn vị công tác tự ý "bắt tay" với các cơ sở y tế, nhất là các phòng khám đa khoa để buộc người tham gia BHYT phải đăng ký KCB tại đây, từ đó tăng nguồn thu cho cơ sở y tế.

Từ thực tế nêu trên, cơ quan BHXH cần rà soát, chấn chỉnh, có hướng dẫn rõ ràng để các đơn vị nắm được và triển khai thống nhất. Cần bảo đảm quyền đăng ký nơi KCB ban đầu phù hợp với nơi làm việc hoặc cư trú đã được pháp luật quy định bằng việc giữ nguyên nơi người tham gia BHYT đã đăng ký, dù có sự thay đổi nơi công tác, học tập, trừ trường hợp họ có yêu cầu thay đổi. Bên cạnh đó, từ năm nay, chủ trương của BHXH là không cấp lại thẻ BHYT hằng năm, người tham gia BHYT chỉ cần đóng tiền để gia hạn giá trị sử dụng thẻ cũ. Do đó, các trường học, đơn vị không cần thiết tổ chức cho kê khai lại các thông tin liên quan BHYT của người đã tham gia, mà chỉ kê khai đối với những trường hợp có thay đổi thông tin hoặc tham gia mới, tránh mất thời gian, gây băn khoăn cho người tham gia BHYT.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/42144502-bao-dam-quyen-lua-chon-noi-dang-ky-kham-chua-benh-ban-dau.html