Bảo đảm sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển

Tại tọa đàm 'Cơ sở khoa học và thực tiễn của việc quy định các tiêu chí về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính' do Ủy ban Pháp luật phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức mới đây, các đại biểu nhấn mạnh, các đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính cần bảo đảm sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và đơn vị hành chính trong giai đoạn tới.

Phúc đáp các yêu cầu từ thực tiễn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 về phân loại đô thị (gọi tắt là Nghị quyết số 1210) và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (gọi tắt là Nghị quyết số 1211) nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 140 Luật Tổ chức chính quyền địa phương) và cụ thể hóa Điều 2, Điều 3, Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Việc ban hành hai Nghị quyết này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đánh giá, phân loại đô thị, phân loại, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính. Sau hơn 6 năm ban hành và thực hiện, về cơ bản cả hai Nghị quyết vẫn đang phát huy tốt tác dụng.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cũng cho thấy cả hai Nghị quyết đều đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh, cần được kịp thời tháo gỡ. Ví dụ, một số tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị chưa xem xét đến đặc điểm vùng miền, yếu tố đặc thù về mức độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm phân bố dân cư, lao động; chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của các đô thị như quy mô dân số, mật độ dân số; yêu cầu bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử; các chính sách ưu tiên đối với vùng khó khăn đặc biệt, vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu; đô thị theo mô hình tăng trưởng xanh, thông minh; phân loại đối với đô thị có tính chất đặc thù như các đô thị được định hướng phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản (cố đô) và bản sắc văn hóa địa phương. Hay là tiêu chuẩn về số đơn vị hành chính chưa phù hợp; chưa có quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù ở miền núi, vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đô thị có giá trị đặc biệt về di sản văn hóa và du lịch; chưa có sự phân biệt về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn ở hải đảo với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị ở hải đảo; chưa quy định về thời hạn thực hiện phân loại sau khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính...

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện cả hai Nghị quyết trên đã có một số chủ trương của Đảng và một số quy định của pháp luật mới được ban hành có nhiều yêu cầu mới như: yêu cầu thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian qua, đặc biệt là việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế, đòi hỏi cả hai Nghị quyết trên cần sửa đổi kịp thời, thể chế hóa chủ trương của Đảng và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm phúc đáp các yêu cầu từ thực tiễn, phục vụ việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi hai Nghị quyết trên, một số đại biểu tham dự tọa đàm cũng cho rằng, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn cụ thể cần phải đánh giá hết sức thấu đáo, trên cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học về quản lý nhà nước, quản lý hành chính, các yếu tố về địa lý, dân cư, xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, phân cấp, phân quyền, các kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này... Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn cho rằng, các đề xuất cần bám sát mục tiêu sửa đổi, trong đó, chú ý mục tiêu sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù ở miền núi, vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có giá trị đặc biệt về di sản văn hóa và du lịch... tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Làm rõ căn cứ phân loại đô thị theo vùng miền

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trương Văn Quảng nêu ý kiến, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 cơ bản đã kế thừa, phát huy các quy định của Nghị quyết số 1210 đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn; sửa đổi các quy định không còn phù hợp, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; bổ sung các quy định để điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn đã được xác định trong quá trình tổng kết.

Về nguyên tắc phân loại đô thị, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210 quy định bổ sung việc phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở đặc điểm vùng miền và yếu tố đặc thù; phạm vi đánh giá, phân loại đô thị được công nhận phải đúng với phạm vi dự kiến hình thành đơn vị hành chính đô thị.

Về các quy định áp dụng phân loại đô thị theo vùng miền, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ mức áp dụng khác nhau về một số tiêu chí, tiêu chuẩn như quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và mức độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt, với các vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, dự thảo Nghị quyết cũng cần làm rõ hơn việc xem xét các tiêu chuẩn về đặc điểm vùng miền cũng như tiêu chí, tiêu chuẩn nào mang tính quyết định trong việc xác định tính chất và bảo đảm chất lượng đô thị.

Đề cập căn cứ xác định tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính đặc thù, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh, phân chia và xếp loại đơn vị hành chính là một trong những hình thức quản trị quốc gia. Việc phân loại đô thị, đơn vị hành chính còn phản ánh đường lối phát triển đất nước của Đảng (thể hiện trong các nghị quyết) đã được xác định. Trên cơ sở đó, Nhà nước xây dựng chính sách nhà nước được cụ thể hóa, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể phát triển, nâng cấp. Trong quá trình rà soát, phân loại đơn vị hành chính và phân cấp chính quyền địa phương cần theo hướng tinh gọn, tăng việc mở rộng, hợp nhất, giảm sự chia tách. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển nhấn mạnh “đặc thù không phải là điều kiện nảy sinh tư tưởng xin - cho các tiêu chí đối với nhiều đơn vị chưa đủ điều kiện muốn nâng cấp loại đơn vị hành chính cao hơn. Do vậy, nếu có những tác động chính sách, cần cân nhắc việc "đưa con cá hay cần câu”.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-sat-thuc-tien-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-i299715/