Bảo đảm thành công cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở

Sau gần hai năm chuẩn bị, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 đã được tổ chức từ ngày 1-4 và kéo dài trong 25 ngày. Ðây là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn nhất kể từ khi thành lập nước đến nay, diễn ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, dự kiến lên tới hơn 94 triệu dân với khoảng hơn 26 triệu hộ gia đình.

Ðồng thời, lực lượng tham gia thực hiện rất lớn, khoảng 120 nghìn điều tra viên và 9.300 giám sát viên các cấp. Nội dung điều tra bao gồm thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động, việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.

Ðiểm mới lần này là cách tổ chức thực hiện với việc lần đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn của cuộc Tổng điều tra. Cụ thể, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được áp dụng cả hai phương pháp điều tra trực tiếp và gián tiếp, thay vì chỉ thực hiện một phương pháp điều tra trực tiếp thông qua hình thức điền phiếu giấy như 10 năm trước.

Với phương pháp điều tra gián tiếp, hộ dân cư tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu điện tử trên thiết bị di động (CAPI) và phiếu trực tuyến sử dụng in-tơ-nét (Webform). Như vậy, người dân sẽ không mất thời gian tiếp đón điều tra viên và có thể trả lời vào bất cứ thời điểm nào thuận tiện. Về phía các cơ quan tổ chức thực hiện, việc cải tiến này giúp nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch, rút ngắn thời gian công bố kết quả Tổng điều tra, giảm kinh phí điều tra thống kê trong dài hạn và phù hợp với xu hướng tổ chức điều tra của thế giới.

Bên cạnh những lợi ích từ ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn của Tổng điều tra, cũng xuất hiện những thách thức không nhỏ đến từ hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin của ngành thống kê và kinh phí thực hiện. Dù vậy, kết quả thu thập được từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 này sẽ có mục đích, ý nghĩa rất lớn đối với công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở, đáp ứng nhu cầu thông tin để đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm qua cũng như hoạch định chiến lược cho giai đoạn 10 năm tới. Ðó cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp của quốc gia về dân số trong giai đoạn hiện nay. Nếu kết quả, thông tin điều tra đưa ra không chính xác, việc hoạch định chính sách sẽ nguy cơ bị ảnh hưởng hoặc chệch hướng, gây bất lợi đến chất lượng ban hành và thực thi chính sách của Ðảng, Nhà nước.

Để bảo đảm tính hiệu quả, an toàn và tiết kiệm của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Chính phủ yêu cầu các cấp ủy Ðảng, chính quyền cần nắm chắc mục đích, quy mô và bối cảnh của cuộc Tổng điều tra để triển khai thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông cần bảo đảm hệ thống thông tin, đường truyền thông suốt trong quá trình thu thập thông tin, xử lý dữ liệu; chỉ đạo các công ty viễn thông phối hợp chuyển tin nhắn đến các thuê bao di động phục vụ Tổng điều tra. Ðồng thời cần làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân. Ðây là yếu tố rất quan trọng bảo đảm sự thành công của cuộc Tổng điều tra, góp phần phục vụ công tác hoạch định chiến lược phát triển của đất nước.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/39720402-bao-dam-thanh-cong-cuoc-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o.html