Bảo đảm thực hiện một số quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội

Về quyền bình đẳng: Điều 7 UDHR quy định 'mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị' và Điều 3 ICCPR quy định các quốc gia thành viên cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ đối với mọi quyền kinh tế, xã hội và văn hóa mà Công ước quy định.

Xuyên suốt các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) 2017 đều quy định người bị thiệt hại, không phân biệt nam nữ hay giới tính, kể cả người thành niên hay chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hay hạn chế năng lực hành vi dân sự... đều có quyền được yêu cầu bồi thường và được giải quyết yêu cầu bồi thường miễn sao đáp ứng đủ các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định tại Điều 7 Luật TNBTCNN 2017.

Quy định này cũng được hiểu là không chỉ công dân của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới được bồi thường mà còn được áp dụng đối với người nước ngoài. Theo đó, các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm: (i) có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật; (ii) có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này; (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Về quyền sở hữu tài sản: Điều 17 UDHR quy định “mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hoặc tài sản sở hữu chung với người khác. Không ai bị tước đoạt tài sản một cách tùy tiện”. Bên cạnh đó, Điều 2 ICESCR quy định “mỗi quốc gia thành viên Công ước này cam kết sẽ tiến hành các biện pháp, một cách riêng rẽ và thông qua sự hợp tác giúp đỡ quốc tế, đặc biệt là các biện pháp kinh tế và kỹ thuật, sử dụng tới mức tối đa các tài nguyên sẵn có của mình, nhằm đạt được việc bảo đảm ngày càng đầy đủ các quyền được thừa nhận trong Công ước này bằng mọi biện pháp thích hợp, đặc biệt kể cả việc thông qua những biện pháp lập pháp.

Các quốc gia thành viên cam kết bảo đảm rằng các quyền được nêu trong Công ước này sẽ được thực hiện không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác.

Các quốc gia đang phát triển có thể quyết định mức độ đảm bảo các quyền kinh tế mà đã được ghi nhận trong Công ước này cho những người không phải là công dân của họ, có xem xét thích đáng đến các quyền con người và nền kinh tế quốc dân của mình”.

 Ảnh minh họa: Ông Trần Ngọc Chinh, ở Vĩnh Phúc, người bị hàm oan liên quan đến vụ án giết ngườ, yêu cầu bồi thường oan sai hơn 12,8 tỷ đồng

Ảnh minh họa: Ông Trần Ngọc Chinh, ở Vĩnh Phúc, người bị hàm oan liên quan đến vụ án giết ngườ, yêu cầu bồi thường oan sai hơn 12,8 tỷ đồng

Như vậy, khác so với yêu cầu đặt ra đối với Nhà nước trong ICCPR, đối với các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, yêu cầu Nhà nước căn cứ vào biện pháp kinh tế và kỹ thuật, các tài nguyên sẵn có của mìnhbảo đảm ngày càng đầy đủ các quyền - nói cách khác việc bảo đảm thực hiện quyền này có lộ trình (trong khi đó, để thực hiện các quyền dân sự, chính trị, yêu cầu Nhà nước phải thực hiện ngay thông qua các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác).

Để ghi nhận quyền sở hữu tài sản rong lĩnh vực bồi thường nhà nước, Nhà nước đã ghi nhận trách nhiệm trong việc trả lại tài sản cho người bị thiệt hại. Cụ thể, khoản 1 Điều 30 Luật TNBTCNN 2017 quy định tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu trái pháp luật phải được trả lại ngay khi quyết định thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị hủy bỏ.

Và đặc biệt, so với pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật TNBTCNN 2017 đã bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường, tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với một số trường hợp, lương hóa một số loại thiệt hại về vật chất, ví dụ, Điều 23 Luật quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Theo đó, trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản trên thị trường tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật TNBTCNN 2017.

Thời điểm để xác định hiện trạng tài sản làm căn cứ tính mức bồi thường là thời điểm thiệt hại xảy ra. Trường hợp tài sản bị hư hỏng thì thiệt hại được xác định là chi phí có liên quan theo giá thị trường tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật TNBTCNN 2017 để sửa chữa, khôi phục lại tài sản...

Ngoài ra, Luật không chỉ để bảo đảm quyền và lợi ích cho đối tượng hại là cá nhân, mà còn quy định về việc bồi thường thiệt hại đối với tổ chức, được thể hiện tại Điều 2 về đối tượng được bồi thường. Theo đó, người bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định tại Luật TNBTCNN 2017.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-dam-thuc-hien-mot-so-quyen-con-nguoi-ve-kinh-te-van-hoa-xa-hoi-207130.html