Bảo đảm vũ khí, đạn dược cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đầu tháng 2-1954, ở mặt trận Điện Biên Phủ, lực lượng chiến đấu của ta đã lên đến 5 đại đoàn: 308, 312, 316 và 304 (thiếu Trung đoàn 66), Đại đoàn Công pháo 351, cùng một số đơn vị binh chủng phục vụ. Tổng quân số chiến đấu khoảng 43.000 người, nhu cầu bảo đảm vật chất tăng gấp nhiều lần so với kế hoạch ban đầu.

Kế hoạch ban đầu của ta là "đánh nhanh, giải quyết nhanh" khi địch chưa kịp củng cố trận địa, chưa tăng thêm quân. Ta kết hợp đột phá và thọc sâu tuyến phòng ngự của địch, nơi đặt sở chỉ huy, trận địa pháo và bố trí lực lượng dự bị; khối lượng đạn dự tính cho chiến dịch là 434 tấn. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ kế hoạch, thấy không bảo đảm chắc thắng nên Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang "đánh chắc, tiến chắc".

Với phương châm "đánh chắc, tiến chắc", chiến dịch sẽ kéo dài và cần khối lượng rất lớn vật chất bảo đảm, trong đó có vũ khí, đạn dược. Để thực hiện quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch, Bộ Chính trị ra chỉ thị: "Toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến". Quán triệt tinh thần trên, công tác vận tải phục vụ chiến dịch nói chung và công tác vận chuyển vũ khí bảo đảm cho chiến dịch nói riêng được triển khai một cách ráo riết. Ngoài lực lượng vận tải của các đơn vị hậu cần quân đội, ta còn huy động phương tiện của các cơ quan nhà nước và hàng vạn dân công, vận chuyển một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm và đạn dược từ hậu phương ra mặt trận.

Việc phân tuyến hậu cần chiến dịch được điều chỉnh để tuyến tiền phương có thể tập trung lực lượng ra phía trước. Tuyến hậu phương của Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp mặt trận các liên khu lên đến Sơn La. Cơ quan Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương lên sát Cò Nòi, gần với tuyến tiền phương hơn, trực tiếp chỉ đạo việc huy động nhân lực, vật lực của các liên khu 3, 4 và Việt Bắc. Lực lượng hậu cần chiến dịch được bố trí thành 3 tuyến, bố trí các cơ sở kho tàng thành 3 khu vực.

Khác với các chiến dịch trước, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta sử dụng số lượng lớn pháo binh và pháo cao xạ. Riêng lực lượng pháo binh tham gia chiến dịch có Đại đoàn Công pháo 351 (gồm Trung đoàn Lựu pháo 45; Trung đoàn Sơn pháo 675; Trung đoàn Cao xạ 367 và Trung đoàn Công binh 151); các tiểu đoàn pháo binh trong biên chế của Đại đoàn 308, 312, 316 và một đại đội pháo binh thuộc Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304). Do đó, việc bảo đảm kỹ thuật súng pháo và đạn cho chiến dịch là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành hậu cần. Từ khối lượng đạn dự kiến ban đầu theo kế hoạch là 434 tấn đã nâng lên tới 1.500 tấn. Trên thực tế, trong toàn chiến dịch đã sử dụng 1.200 tấn, trong đó có 500 tấn đạn pháo 105mm (hơn 20.000 quả). Phần lớn trong số này (11.715 quả) là đạn chiến lợi phẩm ta thu được từ Chiến dịch Biên Giới (năm 1950), 400 quả vừa thu được ở Ba Na Phào trong Chiến dịch Trung Lào, do lực lượng vận tải chuyển gấp từ Chu Lễ ra; Trung Quốc viện trợ cho ta 3.600 quả.

Khó khăn nhất của công tác bảo đảm vũ khí cho chiến dịch là đường vận tải xa, điều kiện đường sá xuống cấp. Vào tháng 4, những trận mưa rào làm cho đường lầy, sụt lở gây thêm khó khăn cho các lực lượng vận tải. Do khối lượng vật chất cần đưa lên mặt trận rất lớn, toàn bộ lực lượng vận tải cơ giới của Quân đội ta lúc đó gồm 16 đại đội với 534 xe ô tô vận tải đều được huy động phục vụ chiến dịch. Tuyến hậu phương của Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp mặt trận các liên khu sử dụng 7 đại đội, 182 xe, lúc cao nhất là 237 xe (do xe của tuyến chiến dịch lui cung về). Tuyến chiến dịch sử dụng 9 đại đội 352 xe, có thời gian được tăng cường thêm 94 xe của các đơn vị pháo binh và phòng không. Xe vận tải hoạt động liên tục ở cả hai tuyến hậu phương và chiến dịch, có lúc đưa thẳng đạn dược đến kho dự trữ của đại đoàn bộ binh và trung đoàn pháo binh. Để tránh sự đánh phá ác liệt của địch vào ban ngày, ta tổ chức các xe vận chuyển vào ban đêm. Có thời điểm chiến trường thiếu đạn pháo, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định cho các xe chở đạn ngụy trang kỹ lưỡng, chạy giãn đội hình, hiệp đồng chặt chẽ với công binh và bộ đội phòng không, vượt đèo Pha Đin vào ban ngày, kịp thời chuyển đạn pháo đến trận địa.

Phong trào thi đua vượt cung, tăng chuyến, tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe tốt diễn ra sôi nổi ở các đơn vị. Cung vận tải đường dài từ Lạng Sơn đến Tuần Giáo (700km) chỉ tiêu đặt ra 7 đêm một chuyến, nhưng các đại đội xe 205 và 207 chỉ chạy trong 5 đêm. Ở các cung khác, một số đại đội chạy 100-110km một đêm (chỉ tiêu được giao là 80km một đêm). Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Yêu xe như con, quý xăng như máu", các chiến sĩ lái xe và thợ kỹ thuật đã thực hiện đêm vận chuyển, ngày săn sóc xe, tiến hành các sửa chữa nhỏ ngay trên đường vận chuyển, không để xe bị hỏng, bị đổ, bị địch bắn cháy. Đồng thời với vận tải cơ giới, nhiều tuyến đường vận tải bộ với dân công và phương tiện thô sơ đã được tổ chức từ hậu phương lên mặt trận. Trên tuyến đường thủy, dân công vận tải đóng hàng chục nghìn chiếc bè mảng vận chuyển trên sông; trên tuyến đường bộ, hơn hai vạn xe đạp thồ được huy động vận chuyển vật chất cho chiến dịch. Tuyến hậu phương có 18.491 chiếc, tuyến chiến dịch 2.500 chiếc...

Bằng sự sáng tạo trong vận chuyển và nỗ lực bảo đảm kỹ thuật vũ khí, đạn dược, ngành hậu cần, kỹ thuật đã góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

VŨ HỒNG KHANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/bao-dam-vu-khi-dan-duoc-cho-chien-dich-dien-bien-phu-572168