Bảo đảm xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng bền vững

Tiếp theo kết quả tích cực của các năm 2017 và 2018, hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng.

Tiếp theo kết quả tích cực của các năm 2017 và 2018, hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, với kim ngạch xuất khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, tổng kim ngạch XNK hàng hóa cả nước năm 2019 ước tính đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so năm 2018. Như vậy, chỉ sau hai năm cán mốc 400 tỷ USD (năm 2017), kim ngạch XNK của Việt Nam đã tiếp tục đạt được mốc kỷ lục mới. Trong đó, xuất khẩu cũng tăng cao với tổng kim ngạch đạt 262,45 tỷ USD, cùng với việc nhập khẩu được kiểm soát tốt đã giúp thặng dư thương mại cả năm đạt 9,94 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Điều đáng nói, những kết quả nêu trên đạt được trong bối cảnh chúng ta đã gặp những khó khăn lớn về thị trường xuất khẩu cũng như sản xuất trong nước. Có thể thấy, chưa bao giờ nền kinh tế thế giới chứng kiến những biến động nhanh, phức tạp và khó đoán như trong năm 2019. Tình hình khu vực, quốc tế liên tục biến động khó lường; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn gia tăng; giá cả nhiều hàng hóa biến động mạnh;... đã khiến thương mại toàn cầu giảm thấp so năm 2018. Trước bối cảnh giảm sút trong tổng cầu thương mại của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm, XNK hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành và nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả này cũng đóng góp rất tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán.

Năm 2020, dự báo tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến khó lường. Kinh tế và thương mại toàn cầu cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm và nhiều rủi ro. Riêng với Việt Nam, mặc dù các thị trường xuất khẩu được mở rộng hơn thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng chúng ta cũng gặp phải những khó khăn rất lớn trước sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, các hàng rào kỹ thuật và biện pháp thương mại của nhiều thị trường xuất khẩu lớn. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương và nhất là Bộ Công thương cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, khơi thông thị trường. Trước hết, cần tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới để chủ động trong công tác điều hành. Mặt khác, cần xác định tiếp tục tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp để xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp để thúc đẩy dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối phát triển thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm. Ngoài ra, theo dõi sát tình hình nhập khẩu, triển khai các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp với cam kết quốc tế khi cần. Như vậy, chúng ta mới có thể bảo đảm cân đối XNK, tiếp tục tạo ra những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế đất nước trong năm 2020 cũng như các năm tiếp theo.

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/42761502-bao-dam-xuat-nhap-khau-tiep-tuc-tang-truong-ben-vung.html