Báo động dịch bệnh tại một số nước Đông Nam Á

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia lại ghi nhận số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua cao nhất kể từ cuối tháng 2. Theo thống kê của Bộ Y tế nước này, với 9.868 ca mắc mới, Indonesia hiện có tổng cộng 1.901.490 ca mắc, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

 Nhân viên y tế Indonesia chuẩn bị liều vaccine tại tỉnh Banda Aceh hôm 7/6 - Ảnh: AFP

Nhân viên y tế Indonesia chuẩn bị liều vaccine tại tỉnh Banda Aceh hôm 7/6 - Ảnh: AFP

Số ca mắc mới tại Indonesia tăng cao trở lại trong những ngày qua, giới chức nước này đã kêu gọi tăng cường chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đáp ứng chỉ tiêu 700.000 liều/ngày trong tháng 6 này và 1 triệu liều/ngày trong tháng 7. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng kêu gọi người đứng đầu các khu vực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đáp ứng mục tiêu quốc gia.

Ước tính Indonesia đã mua tổng cộng 426 triệu liều vaccine, trong đó 90 triệu liều nhận trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, số còn lại dự kiến sẽ nhận từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay. Cho đến nay, đã có 20.158.937 người được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó có 11.568.443 người đã tiêm đủ cả hai liều, tương đương 6,37% trong nhóm hơn 181 triệu người mục tiêu tiêm phòng.

Ngày 13/6, tại Malaysia, số bệnh nhân COVID-19 phải chăm sóc đặc biệt đã lập kỷ lục mới với 917 người, trong đó có hơn một nửa là người phải dùng máy thở. Đây là ngày tăng thứ 38 liên tiếp về số bệnh nhân COVID-19 phải chăm sóc đặc biệt. Bộ Y tế Malaysia cho biết, tỉ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt ở nước này sẽ còn tiếp tục tăng

Hiện Malaysia đang thực hiện lệnh phong tỏa tới ngày 28/6. Nước này đặt mục tiêu số ca nhiễm mới vào khoảng 4.000 trường hợp/ngày để có thể nới lỏng lệnh phong tỏa toàn diện.

Thủ đô Campuchia đang phải tính đến khả năng chia vùng để giãn cách xã hội sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại, đặc biệt tại các nhà máy may. Nghiêm trọng nhất là tại nhà máy may ở đường 217, phường Spean Thmor. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm 947 công nhân, giới chức địa phương phát hiện có đến 201 người dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nếu tỉ lệ người nhiễm mới COVID-19 tiếp tục tăng, chính quyền Phnom Penh có thể tái áp đặt việc phân chia khu vực theo màu đỏ, vàng đậm và vàng để ngăn chặn dịch bệnh. Nếu ở trong khu vực vòng tròn đỏ, nơi có mức độ lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, người dân phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách và rửa tay thường xuyên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia đã gửi công văn đến lãnh đạo các tỉnh, thành phố để nhắc nhở cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện xét nghiệm nhanh đối với tất cả những người nhập cảnh vào Campuchia bằng đường bộ, đường không và đường thủy.

Bộ Y tế Lào ngày 13/6 ghi nhận 6 ca mắc COVID-19 mới tại 3 tỉnh, thành phố, trong đó có 5 ca lây nhiễm cộng đồng và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Ngoài 4 ca cộng đồng tại tâm dịch thủ đô Vientiane, việc phát hiện thêm 1 ca cộng đồng ở một tỉnh phía Bắc gây nhiều lo ngại bởi đã nhiều ngày qua không có các ca nhiễm cộng đồng ngoài thủ đô Vientiane.

Đại diện Bộ Y tế Lào cảnh báo, tình hình dịch trên thế giới, đặc biệt là tại các nước láng giềng vẫn diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan dễ hơn, trong khi vẫn xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép. Ở trong nước, dù tình hình dịch bệnh có xu hướng lắng dịu nhưng nguy cơ bùng phát trở lại vẫn còn do các ca nhiễm vẫn được ghi nhận tại thủ đô Vientiane, trong đó không ít trường hợp chưa rõ nguồn lây. Tới nay, Lào ghi nhận tổng cộng 1.996 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.862 người và 3 ca tử vong.

Singapore đã công bố một loạt biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chiến lược kép vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh. Báo chí Singapore cuối tuần qua cho biết, nước này sẽ nới lỏng giãn cách theo 2 giai đoạn. Chính phủ Singapore tiếp tục làm rõ hơn chiến lược sống chung với COVID-19. Cụ thể, Singapore coi COVID-19 như là bệnh dịch thông thường như cúm mùa, sốt xuất huyết hay chân tay miệng vẫn thường xảy ra ở nước này và chuyển trọng tâm từ số ca mắc hằng ngày sang làm sao để điều trị COVID-19 hiệu quả hơn.

Việc xét nghiệm tầm soát COVID-19 trở nên thường xuyên hơn và diễn ra trên tất cả các ngành nghề lĩnh vực, không chỉ ở nơi có nguy cơ cao. Từ ngày 16/6, Singapore cho bán rộng rãi bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 để người dân có thể tự làm xét nghiệm. Chương trình tiêm chủng tiếp tục được đẩy nhanh với mục tiêu đến tháng 10 năm nay, sẽ có 3/4 dân số được tiêm vaccine đầy đủ. Chính phủ Singapore nhấn mạnh, việc sống chung với virus là cách để cho hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội được nối lại và đây sẽ là trạng thái bình thường mới.

Chính phủ Philippines chủ trương khuyến khích người dân đi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, qua đó hỗ trợ giới chức nước này hoàn thành mục tiêu đã đề ra về tiêm chủng. Theo đó, từ ngày 16/6, những người lớn tuổi đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được phép đi ra ngoài, song vẫn phải đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.

Tại Philippines, nhóm người lớn tuổi chiếm tới 4/5 tổng số ca tử vong do COVID-19 và đây cũng là một trong những nhóm người ưu tiên trong chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai từ ngày 1/3 của nước này. Tuy nhiên, tính đến ngày 6/6, mới chỉ có 1,54 triệu người, tương đương 16% trong tổng số 9 triệu người lớn tuổi ở nước này được tiêm chủng mũi đầu tiên và chỉ có hơn 343.000 người được tiêm đầy đủ 2 mũi.

Số ca mắc mới trên thế giới giảm 12%

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 14/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 176.701.265 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3,81 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 160.731.913 người.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 293.850 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (67.290 ca), Brazil (36.998 ca), Colombia (28.519 ca), Nga (14.7230 ca), Argentina (13.043 ca), Indonesia (9.868 ca),... Mỹ - quốc gia có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới - ghi nhận 5.220 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 34.321.093 ca, trong đó 615.053 ca tử vong.

Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm 12%; số ca nhiễm mới tại châu Á giảm 23%, châu Âu giảm 14%, Bắc Mỹ giảm 7% và Nam Mỹ giảm 2%. Trong khi đó, châu Phi ghi nhận số ca nhiễm trong 7 ngày qua tăng tới 40%, châu Đại dương tăng 15%.

Liên quan đến vaccine ngừa COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13/6 cho biết lãnh đạo Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí chia sẻ ít nhất 870 triệu liều vaccine cho COVAX - chương trình phân phối vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình do WHO khởi xướng. Ít nhất một nửa số vaccine cam kết nói trên sẽ được bàn giao trong cuối năm 2021. Đây là thông tin tích cực trong bối cảnh nhiều nước thiếu vaccine nghiêm trọng trong khi chưa thể kiểm soát dịch COVID-19.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/bao-dong-dich-benh-tai-mot-so-nuoc-dong-nam-a/434633.vgp