Báo động dịch sốt xuất huyết ở Bù Đăng

Những ngày gần đây, mưa trên diện rộng, kéo dài, huyện Bù Đăng ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng đáng kể với nhiều ổ dịch diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đến nay trên địa bàn huyện đã có 2 trường hợp tử vong do SXH. Hơn lúc nào hết, người dân cần tích cực thay đổi hành vi sinh hoạt, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch để chung tay cùng với ngành y tế đẩy lùi dịch bệnh, giảm thiểu hậu quả đáng tiếc do SXH gây ra.

Mưa nhiều, lại là huyện có diện tích cây công nghiệp tương đối lớn cùng với thói quen tích trữ nước trong các lu, khạp, không khơi thông cống rãnh, những ngày gần đây, một số địa bàn ở huyện Bù Đăng đã trở thành điểm nóng về SXH. Bà Trịnh Thị Hạnh ở thôn 6, xã Đường 10 cho biết: “Nhà tôi có 5 người thì 2 cháu nhỏ bị SXH, đang điều trị ở Bệnh xá Quân dân y Trung đoàn 719, Binh đoàn 16. Khu vực xung quanh nhà cao su nhiều, lăng quăng, muỗi phát triển rất nhanh nên dịch lây lan”.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh xá Quân dân y Trung đoàn 719, Binh đoàn 16

Còn ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng trạm Y tế xã Bom Bo cho hay, từ khi phát hiện các ổ dịch trên địa bàn, địa phương đã tổ chức tuyên truyền người dân diệt lăng quăng, bọ gậy, triển khai phun thuốc, xử lý ổ dịch nhưng các hộ dân ở đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác phòng, chống SXH rất khó khăn. Mới tuyên truyền hôm qua thì hôm nay lại xuất hiện chai lọ vứt bừa bãi hoặc mang lu, khạp ra trữ nước…

Sau khi nhập viện tại Bệnh xá Quân dân y Trung đoàn 719, con gái 3 tuổi của anh Đào Khắc Miểng ở thôn 4, xã Bom Bo đuợc chẩn đoán mắc SXH. Sau 4 ngày điều trị, anh Miểng được các bác sĩ bệnh xá tư vấn chuyển viện, đưa con về Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua 2 ngày điều trị, cháu đã không qua khỏi do tràn dịch đa màng quá nặng. Anh Miểng chia sẻ: “Đây là bài học rất lớn để gia đình chủ động hơn trong việc phòng ngừa dịch bệnh, trong đó có SXH. Mọi người cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, đừng chủ quan với dịch bệnh, phải phòng ngừa tốt theo khuyến cáo của ngành y tế”.

Mặc dù đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, chống dịch nhưng qua giám sát, nhiều nơi vẫn còn chai lọ, ao nước tù chưa được xử lý, khơi thông triệt để, số lượng muỗi còn cao. Điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch, nhất là khi tình hình thời tiết được dự báo sẽ còn mưa nhiều trong thời gian tới. Cùng với công tác thu dung, điều trị, tổ chức phun, xử lý các ổ dịch, ngành y tế rất mong nhận được sự hợp tác của người dân để nâng cao hiệu quả phòng, chống SXH.

Bác sĩ CK1 NGUYỄN VĂN THANH, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, từ đầu mùa mưa đến nay, số ca mắc SXH giảm so cùng kỳ, nhưng số ổ dịch đã tăng lên 45 (năm 2021 chỉ 29 ổ dịch). Đặc biệt, đã có 2 trường hợp tử vong do SXH ở các xã Bom Bo và Nghĩa Trung.

Cũng theo Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng về vật tư y tế, nhân lực, thiết bị phục vụ thu dung, điều trị SXH. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nguồn hóa chất phun xử lý ổ dịch còn rất ít. Vì vậy, việc thay đổi hành vi sinh hoạt, tăng cường vệ sinh, phát quang khu vực sinh sống, ngủ mùng, không tích nước trong lu, khạp gắn với thường xuyên diệt lăng quăng, bọ gậy từ phía người dân được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để chung tay cùng với ngành y tế phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh SXH.

Trần Cảnh - Công Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/136223/bao-dong-dich-sot-xuat-huyet-o-bu-dang