Báo động đỏ xuống cấp môi trường văn hóa trong nhà trường

VH- LTS: Nguyên nhân dẫn đến 'Báo động đỏ xuống cấp môi trường văn hóa trong nhà trường' đã được nhiều chuyên gia, cựu lãnh đạo ngành giáo dục lên tiếng 'mổ xẻ'.

Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, thực trạng này hơn cả “báo động đỏ”. Trong khi đó cứ có vụ việc xảy ra, Bộ GD&ĐT cũng chỉ với một động thái duy nhất (đến thời điểm này) yêu cầu địa phương báo cáo và đề nghị Sở GD&ĐT nhắc nhở và nhắc nhở… các trường phải có biện pháp.

Khép lại diễn đàn này chúng tôi rất mong mỏi lãnh đạo Bộ GD&ĐT hãy một lần “nhìn xuống” để nghe các em học sinh “phơi bày” chuyện gì đang diễn ra và hãy thấu cảm khi học trò phải rơi nước mắt chỉ vì thầy cô giáo xa cách quá!

Bài cuối: Bộ GD&ĐT có biết những điều này?

Phải chăng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng bạo lực trong nhà trường, văn hóa ứng xử bị xuống cấp khi giáo viên thiếu định hướng, điều chỉnh kịp thời những suy nghĩ, hành vi lệch lạc của học trò? Và chính học sinh đã “lột trần” thực trạng đó.

Học sinh bày tỏ ý kiến với ngành giáo dục tại buổi đối thoại

Quá thất vọng

Trong buổi đối thoại giữa học sinh tiêu biểu TP.HCM với lãnh đạo ngành giáo dục vào cuối tuần qua với chủ đề “Học sinh thành phố phát triển toàn diện Trí - Đức - Thể - Mỹ”, nhiều em đã bày tỏ trăn trở trước việc học sinh và giáo viên không có thời gian trò chuyện cùng nhau vì chương trình học quá nhiều. Thậm chí nhiều giáo viên chủ nhiệm còn phải lấy tiết sinh hoạt chủ nhiệm để “chạy” bài hoặc làm giờ kiểm tra. Như vậy, ngay cả giáo viên chủ nhiệm cũng không dành thời giờ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh thì các giáo viên bộ môn lên lớp chỉ để giảng bài rồi về là câu chuyện… đương nhiên.

Học sinh Hoàng Hạnh Nhi (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) bày tỏ, chương trình học hiện nay quá nặng và hàn lâm vì thế học rất nhiều nhưng lại ít áp dụng được trong thực tiễn. “Và phải chăng vì chương trình học dày và nhiều như vậy nên thời gian bị bó hẹp, học sinh và giáo viên không có thì giờ xây dựng tình cảm với nhau, do đó thường có mối quan hệ không tốt do bất đồng quan điểm nhưng không được giải quyết, giải tỏa tâm lý”, Hạnh Nhi đặt thẳng câu hỏi. Học sinh này còn “phơi bày” một sự thật khác, đó là nhiều giáo viên bộ môn vừa bước vào lớp thì ngay lập tức cầm phấn lên bảng viết ngay bài học hoặc cho bài tập mà không một lần nói chuyện với các học sinh để xem các em có suy nghĩ gì, có muốn trò chuyện gì với giáo viên hay không. Thậm chí giáo viên chủ nhiệm còn lấy tiết sinh hoạt chủ nhiệm để làm bài kiểm tra chứ không dành một chút thời gian nào để trò chuyện với học sinh lớp mình đang phụ trách.

Cùng với tâm tư này, học sinh Phạm Song Toàn (Bí thư Đoàn Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè) đã bật khóc tại buổi đối thoại khi kể về cô giáo dạy toán của mình. “Mối quan hệ giữa thầy cô với học sinh đôi khi không được tốt. Bản thân em luôn mong muốn giáo viên dạy toán của mình nói chuyện với lớp nhưng lại quá thất vọng. Chúng em cảm thấy việc giáo viên đến lớp chỉ để giảng bài, giảng bài. Em cảm thấy như thế là vô cùng nhàm chán. Em mong muốn cô nói chuyện với lớp dù chỉ một lần nhưng cô không nói gì cả. Em không hiểu vì sao cô lại không nói gì với chúng em. Cô đến lớp và chỉ có giảng bài. Hơn một học kỳ qua, chúng em hầu như phải tự học. Có thể nói cô khá quyền lực, không ai dám nói gì vì sợ cô”, Song Toàn chia sẻ và khóc nức nở.

Khô khan, khó tiếp nhận

Cùng chung thực tế này, học sinh Huỳnh Trung Tín (Trường THPT Ngô Gia Tự) cho hay, trong lớp mình có nhiều bạn bị trầm cảm nhưng ít thầy cô biết được. Còn theo học sinh Nguyễn Thị Yến Nhi (Trường THPT Nguyễn Tất Thành), em mong muốn giáo viên xem học sinh như người bạn hoặc người con để giáo dục tâm lý, định hướng cho học sinh.

Học sinh So Qua Ni, Bí thư Đoàn trường THPT Mạc Đĩnh Chi nêu ý kiến, các sân chơi, cuộc thi, hoạt động giáo dục kỹ năng sống hiện nay được tổ chức khá nhiều nhưng tương tự nhau và ít cập nhật, vì thế khi gặp tình huống cụ thể hay những vấn đề mới thì các em thường lúng túng không biết xử lý thế nào. So Qua Ni đề xuất được học bộ sách giáo khoa mới đi sâu vào việc ứng dụng kiến thức trong thực tiễn. Trước sự phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội hiện nay, học sinh Ngô Trung Quốc, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bày tỏ mong muốn học sinh cần được trang bị kỹ năng tiếp nhận, xử lý thông tin và tư duy phản biện khi tiếp nhận thông tin mới đang tràn ngập trên mạng xã hội, trên các phương tiện thông tin không chính thống để tránh hiểu sai sự việc dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc.

Một số học sinh bày tỏ lo ngại trước thực tế nhiều học sinh chìm đắm trong thế giới ảo mà lười vận động, tham gia mạng xã hội thiếu kiểm soát khiến sức khỏe và kết quả học tập giảm sút. Trong khi đó, nhiều học sinh cho biết phương pháp dạy môn giáo dục công dân ở trường phổ thông còn khô khan khiến học sinh khó tiếp nhận; hoạt động hướng nghiệp dù được tổ chức nhiều nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về ngành nghề mà các em mong muốn. Các hoạt động, sân chơi về văn hóa dân gian còn thiếu vắng trong trường học vì thế nhiều học sinh xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc; học sinh phải học quá nhiều nên ít thời gian tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ...

Trước những ý kiến của các học sinh, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết các thầy cô, Ban giám đốc Sở sẽ điều chỉnh những phần việc trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm, đồng thời tăng cường tham mưu để đáp ứng những mong muốn phù hợp của học sinh, cố gắng làm nhiều hơn nữa để tạo không gian học, tạo các sân chơi, học tập trải nghiệm để tăng cường giao lưu học hỏi, chia sẻ giữa thầy và trò. “Sau khi tiếp nhận những ý kiến phản ánh của học sinh, đã có địa chỉ cụ thể, con người cụ thể, chúng tôi sẽ tìm hiểu, giải quyết khúc mắc giữa các thầy cô và học trò, tránh những áp lực về tâm lý, nhằm tạo môi trường giáo dục thân thiện hơn”, ông Sơn nói.

Nhiều giáo viên bộ môn vừa bước vào lớp thì ngay lập tức cầm phấn lên bảng viết ngay bài học hoặc cho bài tập mà không một lần nói chuyện với các học sinh để xem các em có suy nghĩ gì, có muốn trò chuyện gì với giáo viên hay không. Thậm chí giáo viên chủ nhiệm còn lấy tiết sinh hoạt chủ nhiệm để làm bài kiểm tra chứ không dành một chút thời gian nào để trò chuyện với học sinh lớp mình đang phụ trách.

Hoàng Hạnh Nhi (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa)

Chúng em cảm thấy việc giáo viên đến lớp chỉ để giảng bài, giảng bài. Em thấy như thế là vô cùng nhàm chán. Em mong muốn cô nói chuyện với lớp dù chỉ một lần nhưng cô không nói gì cả. Em không hiểu vì sao cô lại không nói gì với chúng em. Hơn một học kỳ qua, chúng em hầu như phải tự học. Có thể nói cô khá quyền lực, không ai dám nói gì vì sợ cô.

Phạm Song Toàn (Bí thư Đoàn Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè)

Thùy Trang

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/m%E1%BB%A5c-c%C5%A9/gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-l%E1%BB%91i-s%E1%BB%91ng-b%E1%BA%A1n-tr%E1%BA%BB/b225o-%C4%91%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%8F-xu%E1%BB%91ng-c%E1%BA%A5p-m244i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-v%C4%83n-h243a-trong-nh224-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng