Báo động giả, gót chân Achilles của dòng máy bay A320?

Là dòng máy bay được đánh giá toàn diện, rất phù hợp với các chặng bay ngắn và trung bình, dòng A320 lại đang khiến nhiều hãng hàng không đau đầu vì báo động giả.

Thành công của dòng máy bay A320 tại Việt Nam là không thể bàn cãi. Toàn bộ lượng máy bay thân hẹp đang thuộc biên chế của các hãng hàng không Việt Nam đều thuộc dòng máy bay nổi tiếng của Airbus.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào dòng A320 đang khiến các hãng bay nội, điển hình là Vietjet Air, đau đầu vì vấn đề báo động giả. Zing.vn đã liên hệ với Airbus về phương án cài đặt lại phần mềm cho các hãng hàng không tại Việt Nam, tuy nhiên đại diện hãng chưa thể đưa ra phản hồi.

Vietjet Air không 'cô đơn'

Theo dữ liệu từ The Aviation Herald, đơn vị chuyên ghi nhận sự cố hàng không toàn cầu, trong năm 2018 đã có tổng cộng khoảng 80 sự cố liên quan đến hệ thống cảnh báo kỹ thuật trên các máy bay A318, A319, A320 và A321, những máy bay trong dòng A320 của Airbus.

Để so sánh, con số này trên dòng Boeing 737, dòng máy bay cạnh tranh trực tiếp của A320, chỉ là không tới 20 sự cố. Dòng A320 đang báo động nhiều hơn dòng 737 khoảng 4 lần, và Vietjet Air không phải là hãng duy nhất bị cảnh báo giả làm khó.

Tính riêng với cảnh báo khói trong khoang hàng giả trên các máy bay A320 và A321, những biến thể máy bay hiện đại nhất trong dòng A320, đã có 8 lần các máy bay phải hạ cánh khẩn cấp vì cảnh báo giả này trong năm 2018.

Tám sự cố xảy ra với 6 hãng, trải từ tháng 3/2018 tới tháng 12/2018, trong đó Vietjet Air gặp một sự cố và phải hạ cánh khẩn cấp ở Đài Bắc. Indigo (Ấn Độ) và Jetblue (Mỹ), hai hãng hàng không giá rẻ sử dụng nhiều máy bay dòng A320, cũng gặp báo động giả trên 2 lần trong năm 2018.

Liên tục báo động giả

Tính riêng quý IV/2018, Vietjet Air đã gặp 7 sự cố máy bay, trong đó có 5 sự cố liên quan đến cảnh báo kỹ thuật. Khi được hỏi về chi tiết sự cố, hãng bay thường đưa ra lý giải do "báo động giả" hoặc chỉ đề cập là "cảnh báo kỹ thuật".

Điển hình là sự cố trên chuyến bay VJ861 khởi hành tối muộn ngày 24/12 từ Incheon (Hàn Quốc) đi TP.HCM, sau khi cất cánh được khoảng 2 tiếng đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Đài Bắc (Đài Loan). Nguyên nhân hạ cánh được phía hãng bay đưa ra là có cảnh báo khói trong khoang hàng, nhưng là báo động giả.

Dòng A320 của Airbus đang liên tục làm khó Vietjet Air vì những "báo động giả". Ảnh: VJA.

Dòng A320 của Airbus đang liên tục làm khó Vietjet Air vì những "báo động giả". Ảnh: VJA.

Báo động giả cũng là nguyên nhân được Vietjet Air đưa ra cho sự cố trên chuyến bay VJ198 khởi hành từ TP.HCM đi Hà Nội lúc 19h05 ngày 19/11. Theo miêu tả của hành khách trên máy bay và một vài đoạn video ghi lại cabin máy bay khi sự việc xảy ra, phi hành đoàn của chuyến bay đã thông báo về sự cố khẩn cấp và máy bay phải bay vòng tròn 30 phút trên không. Tiếp viên trên chuyến bay cũng đã hướng dẫn hành khách chuẩn bị cho tình huống xấu nhất cũng như liên tục hô "brace".

Trước đó, một chuyến bay khác của Vietjet Air cũng phải hạ cánh khẩn cấp do báo động giả là chuyến bay số hiệu VJ982 của Vietjet Air ngày 30/10 chuyên chở 198 hành khách đi Busan (Hàn Quốc), khi đang di chuyển đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Hong Kong.

Theo nghiên cứu của TS. James P. Bliss từ đại học Old Dominion University Norfolk (Mỹ), trong các sự cố hàng không liên quan đến báo động, 58% là báo động chính xác, 28% là báo động giả, còn lại là các trường hợp khác như lỡ báo động, báo động khác.

Liên quan đến một loạt báo động giả này, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết vấn đề này có liên quan đến phần mềm cảnh báo sự cố được cài đặt trên lô máy bay mới nhập của AirBus.

"Có vấn đề trong việc cài đặt phần mềm khiến cho việc cảnh báo 'nhạy' hơn mức bình thường. Cục Hàng không và các hãng có sử dụng lô máy bay mới của AirBus đang phối hợp với hãng này để cài đặt lại phần mềm", đại diện Cục Hàng không cho biết.

Ngô Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bao-dong-gia-got-chan-achilles-cua-dong-may-bay-a320-post904244.html