Báo động hàng triệu người Việt suy thận

Hiện nay, bệnh suy thận đang là căn bệnh hàng triệu người mắc phải. Dưới đây là những dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh.

Theo TS.BS Nguyễn Vĩnh Hưng – Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện E, số liệu thống kê của Hội Thận học thế giới ước tính khoảng 500 triệu người đang có vấn đề về bệnh lý mạn tính ở thận. Còn tại Việt Nam tuy chưa có số liệu thống kê chính thức song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Chỉ tính riêng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số.

Được biết hiện tại, Khoa Thận tiết niệu và lọc máu - Bệnh viện E là một trong những cơ sở y tế để người bệnh mắc bệnh lý liên quan đến thận điều trị và chạy thận chạy thận nhân tạo. Trung bình số lượng bệnh nhân đang chạy thận chu kỳ ở khoa Thận tiết niệu và lọc máu hiện có khoảng 100 - 110 bệnh nhân bị suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo chu kỳ để duy trì sự sống. Đây thực sự là những con số đáng báo động cho tình trạng suy thận ở Việt Nam.

Hậu quả của căn bệnh này khá nặng nề. Khi bệnh thận có diễn biến xấu thì nhiều vấn đề sức khỏe có thể xảy ra như thiếu máu, bệnh xương, tổn thương thần kinh và tăng huyết áp. Tổn thương thần kinh ngoại biên sẽ gây yếu chân, tay hay có cảm giác kiến bò, cảm giác nóng rát hay khó chịu và bứt rứt ở bàn chân, cẳng chân, dáng đi thay đổi.

Bên cạnh đó suy thận mạn giai đoạn cuối có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Các biện pháp điều trị thay thế thận hiện nay bao gồm chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng liên tục ngoại trú và ghép thận, ngày càng có nhiều tiến bộ không những giúp duy trì cuộc sống mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chủ yếu do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường. Tiến triển của bệnh thận mạn tính dẫn đến suy thận mạn tính, làm mất chức năng thận và phải dùng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận. Tuy nhiên, thận là một bệnh có thể kiểm soát được và bệnh nhân sẽ có cuộc sống bình thường nếu bệnh nhân được điều trị, kiểm soát tốt.

Dấu hiệu nhận bệnh thận

Rối loạn tiểu tiện

Khi lượng nước tiểu ít hơn, đó có thể là dấu hiệu thận đang gặp rắc rối. Mặt khác, nếu bạn đi tiểu nhiều vào đêm, bạn cũng có nguy cơ bị bệnh thận vì tình trạng này thường xuất hiện khi bộ lọc thận bị tổn thương.

Tiểu ra máu

Nếu bạn bị tiểu đau, đó là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, nếu có lẫn máu trong nước tiểu, tốt nhất là nên đi kiểm tra vì có thể đây là dấu hiệu suy thận.

Phù chân

Khi bàn chân và mắt cá chân bị sưng phù như quả bóng, bạn cần đi kiểm tra. Phù chân là dấu hiệu cảnh báo chức năng thận suy giảm, trong đó tình trạng giữ natri khiến chân bị phù lên.

Không muốn ăn

Ăn không ngon, kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn là dấu hiệu đáng báo động khác. Tình trạng này xảy ra khi có sự tích tụ độc tố trong cơ thể, cuối cùng có thể dẫn tới suy thận.

Mắt sưng

Khi thận bị rò rỉ lượng lớn protein trong nước tiểu, mắt có thể bị sưng, phù. Khi tình trạng này xảy ra, bạn nên đi xét nghiệm máu hoặc kiểm tra thận.

Co rút cơ

Mất cân bằng điện giải có thể do chức năng thận suy giảm. Vì vậy, nếu bạn bị co rút cơ cả ngày, đây có thể là dấu hiệu thận có vấn đề.

Nước tiểu có bọt

Nước tiểu có bọt là dấu hiệu rõ ràng của suy thận. Bạn cũng sẽ thấy nước tiểu có mùi lạ và không nên bỏ qua dấu hiệu này.

Ngứa da

Khi thận không thể duy trì được sự cân bằng khoáng chất và dinh dưỡng trong máu hợp lý, da sẽ trở nên ngứa. Nếu các loại kem và thuốc không giúp giảm tình trạng ngứa da, bạn cần đi khám bác sĩ.

Cách phòng bệnh thận

Để ngăn ngừa và làm giảm nguy cơ bệnh thận, mọi người cần áp dụng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng, đồ ăn nhanh, đồ chiên nấu nhiều lần.

- Không nên ăn quá nhiều muối, bởi muối là một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng huyết áp và hại thận.

- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

- Mỗi ngày nên uống từ 1,5 – 2 lít nước để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cho thận hoạt động.

- Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức khỏe.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ từ 3 – 6 tháng giúp phát hiện bệnh sớm.

Trúc Chi t/h

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/gach-di-hai-tu-bo-me-nhat-ky-cua-con-trai-van-hugo-khien-nhieu-nguoi-cam-dong-529138.htm