Báo động hút thuốc lá điện tử rộ lên như 'trào lưu thời thượng' ở trẻ vị thành niên

Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang rộ lên như một trào lưu thời thượng trong giới trẻ. Thuốc lá điện tử cũng có thể gây nghiện và độc hại như thuốc lá truyền thống, nhưng vì thiếu hiểu biết mà xu hướng sử dụng đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ vị thành niên.

Những con số đáng ngại về sử dụng thuốc lá điện tử

Các số liệu thống kê từ Hệ thống dịch vụ Y tế Anh (NHS) cho thấy, khoảng 9% số học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 15 ở Anh sẽ thường xuyên hoặc thỉnh thoảng sử dụng thuốc lá điện tử, tăng hơn khoảng 6% trong năm 2018.

Sự gia tăng lượng trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử là một vấn đề rất đáng lo ngại.

Thuốc lá điện tử là một trào lưu mới “độc hai” của giới trẻ (Ảnh: Adobe).

Thuốc lá điện tử là một trào lưu mới “độc hai” của giới trẻ (Ảnh: Adobe).

Theo các số liệu từ NHS Digital dựa trên một cuộc khảo sát trên hơn 9.000 trẻ em, cho thấy mức độ nghiện tỷ lệ thuận độ tuổi - với gần như một phần năm số trẻ thuộc độ tuổi 15 có sử dụng thuốc lá điện tử.

Và xu hướng này thường được thấy ở các cô gái tuổi vị thành niên, với 21% được ghi nhận ở các học sinh nữ có độ tuổi khoảng 15 sử dụng thuốc lá điện tử, tăng hơn 10% trong năm 2018.

Còn tại Việt Nam, trong Hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022 (diễn ra vào ngày 26/12/2022), Bộ Y tế đã công bố số liệu, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%.

Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.

Có rất nhiều loại hương liệu độc hại có trong thuốc lá điện tử (Ảnh: Adobe).

Tiến sĩ Mike McKean, bác sĩ nhi khoa chuyên về các bệnh về đường hô hấp, cho biết, nếu không hành động ngay thì "thế hệ con em chúng ta sẽ có nguy cơ trở thành một thế hệ nghiện nicotine".

Đầu năm nay, một nghiên cứu của Action on Smoking and Health (ASH) đã phát hiện ra rằng, người trẻ tuổi hút thuốc lá điện tử đang có xu hướng tăng do ảnh hưởng tiêu cực từ các clip, hình ảnh xấu độc được người dùng đăng trên các trang mạng xã hội như TikTok và Instagram.

Nghiên cứu này cho thấy ngày càng thanh thiếu niên bị thu hút bởi những loại thuốc lá điện tử mới, có nhiều hương vị, sử dụng một lần và có giá thành rơi vào khoảng 5 bảng Anh.

Giáo sư Ann McNeill, Giáo sư về chứng nghiện thuốc lá tại Đại học King's College London đồng thời là tác giả của bản đánh giá về thuốc lá điện tử chia sẻ: "Sự gia tăng về số lượng các thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử là điều đáng báo động và chúng ta cần hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như bao bì, khả năng tiếp cận, hương vị hoặc tính gây nghiện”. Cũng theo Giáo sư Ann McNeill, giải pháp của chúng ta phải cân đối, vì hút thuốc có tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Một số cách giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá điện tử

Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi trong bệnh cảnh hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống nhầm dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử.

Được biết, bệnh nhi có tiền sử khỏe mạnh, sau khi tình cờ nhặt được và uống khoảng 5 ml dung dịch màu vàng trong lọ thủy tinh của thuốc lá điện tử, 15 phút sau đó người nhà phát hiện trẻ co giật toàn thân, nôn ói, hôn mê. Ngay lập tức cháu được sơ cứu tại bệnh viện gần nhà và chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sau khi các bác sĩ thăm khám và hỏi bệnh nghi ngờ bệnh nhi bị ngộ độc các thành phần chứa trong dung dịch thuốc lá điện tử, tuy nhiên các triệu chứng co giật, đồng tử giãn, mạch chậm của trẻ không giải thích được hết tình trạng ngộ độc do nicotine - chất chủ yếu chứa trong thuốc lá điện tử. Các mẫu bệnh phẩm gồm máu, nước tiểu, dung dịch trẻ uống nhanh chóng được xét nghiệm và phát hiện ra dương tính ma túy tổng hợp mới ADB-BUTINACA.

Ở Hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022, ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin, sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ và pha trộn các chất khác vào dung dịch (như ma túy, cần sa).

WHO đưa ra khuyến cáo, thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống. Nó có thể gây tác động sớm đối với sức khỏe, hoặc gây bệnh phổi kẽ. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.

Theo khuyến cáo của WHO, để ngăn chặn việc hút thuốc lá ở giới trẻ cần có những biện pháp mạnh mẽ, cụ thể:

- Tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sức mua nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm thuốc lá, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên;

- Cần xây dựng môi trường không khói thuốc lá đặc biệt lưu ý những khu vực công cộng mà giới trẻ hay đến như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi;

- Tăng cường thực thi các quy định cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại, và tài trợ dưới mọi hình thức;

- Tăng cường quản lý việc bán thuốc lá cho nhóm trẻ vị thành niên, cấm bán thuốc lá ở khu vực quanh trường học, đặc biệt ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng ngày càng gia tăng thuốc lá điện tử;

- Theo dõi và giám sát việc sử dụng thuốc lá thông qua các công cụ điều tra giám sát số liệu. Những khuyến cáo này được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào Kế hoạch hành động về kiểm soát thuốc lá khu vực Tây Thái Bình Dương đến năm 2030.

Dưới đây là một số phương pháp giúp giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá điện tử:

- Nhờ đến sự giúp đỡ từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

- Duy trì uống đủ nước.

- Ưu tiên giấc ngủ.

- Ăn đồ ăn nhẹ lành mạnh.

- Nhận hỗ trợ từ bạn bè và gia đình.

- Hãy chuẩn bị cho các cơn thèm thuốc.

Phạm Tuấn Khang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/bao-dong-hut-thuoc-la-dien-tu-ro-len-nhu-trao-luu-thoi-thuong-o-tre-vi-thanh-nien-d2055.html