Báo động nhầm, lính Mỹ gần Triều Tiên hú hồn

Nỗi lo về 'quà Giáng sinh' muộn của Triều Tiên đã khiến sự nhầm lẫn tại căn cứ Mỹ trở nên tồi tệ.

Ngày 27/12, tờ Washington Post (Mỹ) dẫn lời Đại tá Martyn Crighton, phát ngôn viên sư đoàn bộ binh số 2 đóng quân tại căn cứ Casey, Dongducheon, Hàn Quốc, cho biết, còi báo động không kích tại căn cứ này đã vô tình kích hoạt gây ra sự hoảng loạn ngắn trong bối cảnh lo ngại về "quà Giáng sinh" của Triều Tiên.

Ông Crighton cho biết thêm theo thông lệ, cứ vào lúc 22h mỗi tối, bản nhạc kèn mang giai điệu buồn được phát trên hệ thống loa của căn cứ để báo hiệu kết thúc một ngày làm việc. Tuy nhiên, do lỗi của người thao tác, còi báo động đã được kích hoạt.

Việc phát nhầm còi báo động đã gây ra sự hoảng loạn ngắn ở căn cứ. Một số binh sĩ mặc quân phục chạy vội ra ngoài trước khi nhận ra đó chỉ là nhầm lẫn. Một số binh sĩ nổi giận đã phàn nàn về sự cố trên diễn đàn Reddit.

Lính thủy đánh bộ của Mỹ trong một cuộc tập trận tại Hàn Quốc

Tiếng còi thường được gọi là còi báo động không kích, tín hiệu cảnh báo cho binh sĩ về cuộc tấn công sắp xảy ra. Các binh sĩ ngay lập tức nhận được thông báo về lỗi và các biện pháp kiểm soát đã được đưa ra để đảm bảo nó không lặp lại.

Sẽ không có gì đáng nói nếu nước trước đó hồi đầu tháng 12 Triều Tiên không cảnh báo Mỹ về thời hạn chót vào cuối năm để nối lại cuộc đàm phán hạt nhân đang bị gián đoạn, hoặc đối mặt với "quà Giáng sinh".

Nỗi lo về "quà Giáng sinh" muộn của Triều Tiên đã khiến sự nhầm lẫn tại căn cứ Mỹ trở nên tồi tệ, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho các binh sĩ đóng quân tại đây.

Casey là căn cứ của Mỹ gần biên giới Triều Tiên nhất. Căn cứ quân sự có tầm quan trọng về chiến lược này nằm gần thị trấn Dongducheon của Hàn Quốc, cách thủ đô Seoul khoảng 60 km về phía bắc. Căn cứ rộng hơn 10 cây số vuông và là nơi đồn trú của hàng ngàn lính Mỹ.

Casey sẽ trở thành mục tiêu chính của các cuộc tấn công tên lửa và pháo binh trong trường hợp xảy ra xung đột.

Hiện tại, giới chức Mỹ và Hàn Quốc vẫn chưa hết lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể có các hành động "khiêu khích" trong trước thềm hai sự kiện lớn sắp tới là năm mới và sinh nhật nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Giới quan sát cho rằng, Triều Tiên có thể nối lại các vụ thử tên lửa tầm xa hoặc thử vũ khí hạt nhân, theo đuổi chính sách cứng rắn hơn với Mỹ.

Trong quá khứ cũng đã từng xảy ra sự cố "bấm nhầm nút", gần đây nhất là và tháng 1/2018. Khoảng 8h ngày 13/1/2018, người dân Hawaii nhận được tin nhắn: "Mối đe dọa tên lửa đạn đạo đang tới Hawaii. Hãy đi trú ẩn ngay. Đây không phải là một cuộc diễn tập".

Báo động được phát trên cả truyền hình và đài phát thanh, khiến giao thông ngưng trệ. Nhiều người bỏ xe trên đường cao tốc để tìm nơi trú ẩn. Các chủ cửa hàng vội vã đóng cửa trong khi khách du lịch hoảng loạn chưa biết xử trí thế nào. "Mọi người bỏ chạy, tất cả đều tuyệt vọng", Vinicius Pereira, một cư dân ở Waikiki nói.

Sự hoảng loạn kéo dài khoảng 10 phút sau khi có những dòng tweet thông báo rằng báo động nhầm. "Đây là sai sót trong quy trình chuẩn khi đổi ca trực và một nhân viên ấn nhầm nút", CNN dẫn lời Thống đốc bang Hawaii David Ige thừa nhận.

Theo giải thích của Cơ quan Ứng phó tình trạng khẩn cấp của bang Hawaii, vụ báo động nhầm xảy ra trong phiên đổi ca trực và thực hành thao tác kỹ thuật, dẫn tới việc "bấm nhầm nút". Sai sót này đã kích hoạt hệ thống điện thoại tự động trên hòn đảo đi kèm với cảnh báo thúc giục người dân nhanh chóng tìm nơi ẩn náu.

Người đứng đầu Cơ quan Ứng phó tình trạng khẩn cấp của bang Hawaii, ông Vern Miyagi, đã lên tiếng xin lỗi người dân về sai sót kỹ thuật nói trên, đồng thời cam kết sẽ xem xét lại các quy trình, thao tác kỹ thuật để sự cố tương tự không xảy ra trong tương lai.

Vụ báo động nhầm tên lửa tấn công Hawaii cũng diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên căng thẳng, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa vào những tháng cuối năm 2017.

Lâm An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bao-dong-nham-linh-my-gan-trieu-tien-hu-hon-3394170/